Báo cáo tài chính bao gồm nhiều loại bảng và báo cáo khác nhau. Vì vậy, việc nắm rõ được nội dung cơ bản và cách đọc những bảng biểu đó là rất cần thiết, đặc biệt với lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên kế toán. Bài viết đưới đây sẽ giúp các bạn có thể đọc và phân tích một báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Một Báo cáo tài chính theo đúng chuẩn gồm 5 loại bảng sau:
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo kết quả kinh doanh
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Thuyết minh báo cáo tài chính
- Bảng cân đối phát sinh
Bài viết sẽ hướng dẫn cách đọc và phân tích theo từng loại bảng ở trên.
1. Bảng cân đối kế toán
Định nghĩa của Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) là bảng phản ánh tình hình tài sản của doanh nghiệp, bao gồm giá trị tài sản và nguồn hình thành tài sản tại một thời điểm nhất định.
Nội dung của Bảng cân đối kế toán
BCĐKT bao gồm 2 phần là Tài sản và Nguồn vốn.
Phần Tài sản:
– Về kinh tế:
Số liệu thể hiện giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp đến thời điểm lập báo cáo, bao gồm: TSCĐ, vật liệu, hàng hóa, tiền tệ, các khoản đầu tư tài chính, các khoản phải thu…
Người đọc sử dụng số liệu này để đánh giá tổng quát quy mô tài sản và khả năng sử dụng vốn của doanh nghiệp.
– Về pháp lý: Số liệu phản ánh toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp.
Phần Nguồn vốn:
– Về kinh tế:
Số liệu phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản của doanh nghiệp đến cuối kỳ hạch toán, bao gồm: vốn chủ sở hữu, nguồn vốn đi vay, nguồn vốn chiếm dụng…
Người đọc sẽ sử dụng số liệu này để phân tích quy mô tài chính, nội dung tài chính và thực trạng tài chính của doanh nghiệp.
– Về pháp lý: Số liệu thể hiện trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp về số tài sản đang quản lý, sử dụng đối với các chủ sở hữu, các nhà đầu tư, với cổ đông, vốn liên doanh, với ngân hàng, với các tổ chức tín dụng, với khách hàng và với người lao động.
2. Báo cáo kết quả kinh doanh
Định nghĩa của Báo cáo kết quả kinh doanh
Báo cáo kết quả kinh doanh (BCKQKD) là báo cáo tài chính tổng hợp để phản ánh tổng quát tình hình và kết quả kinh doanh trong một kỳ hoạt động của doanh nghiệp. BCKQKD dùng để phân tích khả năng sinh lời và thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nội dung của Báo cáo kết quả kinh doanh
BCKQKD gồm 3 phần chính sau:
– Doanh thu, chi phí hoạt động kinh doanh trong kỳ:
- Doanh thu gồm: Doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, doanh thu tài chính, các khoản giảm trừ doanh thu trong kỳ.
- Chi phí bao gồm: Giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí quản lý, chi phí bán hàng trong kỳ.
– Thu nhập và chi phí của những hoạt động khác: bao gồm những khoản thu và chi phí không nằm trong hoạt động kinh doanh tỏng kỳ.
– Lợi nhuận và nghĩa vụ thuế TNDN:
- Lợi nhuận bao gồm: Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận từ hoạt động khác, lợi nhuận sau thuế là lãi cổ tức.
- Nghĩa vụ thuế TNDN bao gồm: Thuế TNDN phải nộp trong kỳ và thuế TNDN chưa phải nộp trong kỳ.
3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Định nghĩa của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT) là báo cáo tài chính cung cấp thông tin về những nghiệp vụ kinh tế có ảnh hưởng đến tình hình tiền tệ của doanh nghiệp.
Người đọc sử dụng BCLCTT để đánh giá khả năng kinh doạn tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp, chỉ ra được mối quan hệ giữa lợi nhuận ròng và dòng tiền ròng, từ đó phân tích được khả năng thanh toán của doanh nghiệp, có dự báo và kế hoạch cho kỳ tiếp theo.
Nội dung của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
BCLCTT gồm 3 phần như sau:
– Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh:
- Bao gồm: lưu chuyển tiền tệ nhận được từ khách hàng, lưu chuyển dòng tiền thanh toán cho nhân viên hoặc nhà cung cấp, thanh toán hoặc hoàn thuế thu nhập…
- Chỉ số để đánh giá tính thanh khoản, khả năng hoàn trả vốn vay và khả năng đầu tư của doanh nghiệp.
– Dòng tiền từ hoạt động đầu tư:
- Bao gồm: Tiền mua sắm tài sản, máy móc, thiết bị; tiền thu từ việc nhượng bán, thanh lí tài sản, máy móc thiết bị; tiền thu được từ việc bán cổ phần của một công ty khác.
- Chỉ số này được dùng để phân tích tình hình sử dụng tài sản vật chất của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp để hỗ trợ và tăng khả năng cạnh tranh cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
– Dòng tiền từ hoạt động tài chính:
- Bao gồm: Chi trả cho các khoản nợ, Tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu tiền chi trả nợ thuế tài chính, trả cổ tức…hoặc thu từ góp vốn, các khoản vay…
- Chỉ số này dùng để phân tích nợ và các giao dịch vốn chủ sở hữu.
4. Thuyết minh báo cáo tài chính
Định nghĩa của Thuyết minh báo cáo tài chính
Thuyết minh báo cáo tài chính (TMBCTC) là báo cáo giải thích và bổ sung thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính hay kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo mà các báo cáo khác chưa trình bày cụ thể, rõ ràng.
Người đọc sử dụng bảng này để hiểu chi tiết hơn về các báo cáo tài chính khác, từ đó hiểu chính xác hơn về tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp.
Nội dung của Thuyết minh báo cáo tài chính
TMBCTC gồm những nội dung sau:
- Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp
- Kỳ kế toán, đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán
- Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng
- Các chính sách kế toán áp dụng
- Tình hình tăng giảm TSCĐ
- Tình hình tăng giảm vốn
- Tình hình thực hiện nghĩa vụ ngân sách
- Tài sản và công nợ của ngân hàng theo thời gian đáo hạn
- Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong bảng cân đối kế toán
- Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
- Thông tin bổ sung cho khoản mục trình bày trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Các sự kiện xảy ra sau khi khóa sổ
- Ý kiến của doanh nghiệp
5. Bảng cân đối số phát sinh
Định nghĩa của Bảng cân đối số phát sinh
Bảng cân đối phát sinh (BCĐPS) là bảng tổng hợp số dư đầu kỳ và cuối kỳ của 1 kỳ kế toán.
Người đọc sử dụng bảng này để đánh giá sự chính xác của việc định khoản, ghi chép số liệu, và tình hình biến động của tài sản và nguồn vốn.
Nội dung của Bảng cân đối phát sinh
Bảng cân đối số phát sinh phải đảm bảo 2 yêu cầu:
- Tổng số dư bên Nợ của tất cả các tài khoản phải bằng tổng số dư bên Có của tất cả các tài khoản.
- Tổng số phát sinh bên Nợ của tất cả các tài khoản phải bằng tổng số phát sinh bên Có của tất cả các tài khoản.
Bài viết hy vọng đã cung cấp những thông tin cơ bản nhất giúp bạn đọc và phân tích Báo cáo tài chính nhanh gọn, hiệu quả hơn.
>> Những sai sót thường gặp khi doanh nghiệp thực hiện báo cáo tài chính