Kế Toán Tổng Hợp Định khoản - Hạch toán Cách hạch toán Mua tài sản cố định hữu hình dưới hình...

Cách hạch toán Mua tài sản cố định hữu hình dưới hình thức trao đổi

13672
File Folder Labeled as Assets in Multicolor Archive. Closeup View. Blurred Image. 3D Render.

Tài sản cố định hữu hình có thể được trao đổi giữa các doanh nghiệp với nhau. Khi nghiệp vụ này xảy ra, kế toán phải hạch toán như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu tại bài viết dưới đây.

Mua tài sản cố định hữu hình dưới hình thức trao đổi

Mua tài sản cố định hữu hình dưới hình thức trao đổi là gì?

Trao đổi tài sản cố định là một hình thức mua bán tài sản cố định. Mua tài sản cố định dưới hình thức trao đổi có thể chia thành 2 trường hợp:

– TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với TSCĐ hữu hình tương tự. Đây là việc mua tài sản cố định với mức giá bằng với giá của TSCĐ mang đi trao đổi.

– TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với TSCĐ hữu hình không tương tự. Đây là việc mua các tài sản cố định với mức giá cao hơn hoặc thấp hơn giá của TSCĐ mang đi trao đổi.

Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi được xác định theo giá trị hợp lý của TSCĐ hữu hình nhận về hoặc giá trị hợp lý của tài sản đem đi trao đổi.

Hướng dẫn hạch toán nghiệp vụ mua TSCĐ hữu hình dưới hình thức trao đổi

TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với TSCĐ hữu hình tương tự

Khi nhận TSCĐ hữu hình tương tự do trao đổi và đưa vào sử dụng ngay cho SXKD, kế toán hạch toán như sau:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình: nguyên giá TSCĐ hữu hình nhận về ghi theo giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ: số đã khấu hao của TSCĐ đưa đi trao đổi

Có TK 211 – TSCĐ hữu hình: nguyên giá TSCĐ đưa đi trao đổi

TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với TSCĐ hữu hình không tương tự

Kế toán hạch toán như sau:

– Khi giao TSCĐ hữu hình cho bên trao đổi:

Nợ TK 811 – Chi phí khác: giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ: giá trị đã khấu hao

Có TK 211 – TSCĐ hữu hình: nguyên giá

– Ghi tăng thu nhập do trao đổi TSCĐ:

Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng: tổng giá thanh toán

Có TK 711 – Thu nhập khác: giá trị hợp lý của TSCĐ đưa đi trao đổi

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (TK 33311) (nếu có).

– Khi nhận được TSCĐ hữu hình do trao đổi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình: giá trị hợp lý của TSCĐ nhận về

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332) (Nếu có)

Có TK 131 – Phải thu của khách hàng: tổng giá thanh toán

– Trường hợp giá trị của TSCĐ đưa đi trao đổi lớn hơn giá trị của TSCĐ nhận được do trao đổi:

Khi đó doanh nghiệp phải thu thêm tiền khi nhận được tiền của bên có TSCĐ trao đổi. Kế toán hạch toán như sau:

Nợ các TK 111, 112: số tiền đã thu thêm

Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.

– Trường hợp giá trị hợp lý của TSCĐ đưa đi trao đổi nhỏ hơn giá trị hợp lý của TSCĐ nhận được do trao đổi:

Khi đó doanh nghiệp phải trả thêm tiền khi trả tiền cho bên có TSCĐ trao đổi. Kế toán hạch toán như sau:

Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng

Có TK 111, 112,…

Ví dụ về mua tài sản cố định hữu hình dưới hình thức trao đổi

Công ty A có xe ô tô tải đang theo dõi trên sổ kế toán với nguyên giá là 500 triệu đồng, khấu hao lũy kế 400 triệu đồng. Công ty muốn thanh lý xe ô tô tải do không có nhu cầu sử dụng. Ngoài ra công ty cũng đang có kế hoạch mua một cần cẩu để xây dựng công trình.

Qua tìm hiểu công ty B đang muốn bán cần cẩu để mua ô tô tải. Công ty A đã tiến hành đàm phán thống nhất với công ty B như sau: công ty A sẽ đổi ô tô với giá 176 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT 10%) để lấy cần cẩu với giá 330 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT 10%). Công ty A đã thanh toán số chênh lệch giữa giá ô tô và cần câu bằng tiên khi nhận cần cẩu về.

=> Đây là trường hợp mua TSCĐ dưới hình thức trao đổi không tương tự

Kế toán công ty A hạch toán như sau (đơn vị tính: triệu đồng):

– Khi giao xe ô tô tải cho công ty B:

Nợ TK 214: 400

Nợ TK 811: 100

Có TK 211: 500

– Ghi tăng thu nhập do trao đổi xe ô tô tải:

Nợ TK 131: 176

Có TK 711: 160

Có TK 3331: 16

– Khi nhận được cần cẩu do trao đổi:

Nợ TK 211: 300

Nợ TK 1332: 30

Có TK 131: 330

– Trả thêm tiền cho công ty B do giá trị hợp lý của TSCĐ đem đi trao đổi nhỏ hơn giá trị hợp lý của TSCĐ nhận được:

Nợ TK 131: 154

Có các TK 111, 112: 154

Xem thêm:

Hàng tồn kho là gì? Phương pháp kế toán và cách xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ

Phương pháp kế toán tài khoản 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản theo Thông tư 200

Mời tải về mẫu Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ (File Word, Excel)