Để tồn tại và hoạt động, mỗi đơn vị đều phải có tài sản. Vậy thì tài sản là gì? Điều kiện ghi nhận tài sản như thế nào? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.
Tài sản là gì?
Tài sản là nguồn lực kinh tế do đơn vị kế toán kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai. Tài sản của đơn vị kế toán có thể tồn tại dưới hình thái vật chất cụ thể hoặc không có hình thái vật chất cụ thể. Tài sản có hình thái vật chất cụ thể như: nguyên vật liệu, hàng hóa, nhà xưởng, máy móc, thiết bị,… Tài sản không có hình thái vật chất cụ thể như bằng sáng chế, bản quyền,…
Điều kiện ghi nhận tài sản
Dù tồn tại dưới bất kỳ hình thái nào, tài sản được kế toán ghi nhận trên bảng cân đối kế toán đều phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Có khả năng tiền tệ hóa một cách đáng tin cậy.
- Đơn vị kế toán kiểm soát được.
- Mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai một cách tương đối chắc chắn cho đơn vị kế toán.
- Là kết quả của giao dịch quá khứ.
Điều kiện thứ nhất, có khả năng tiền tệ hóa một cách đáng tin cậy
Cơ sở của điều kiện này là khái niệm thước đo tiền tệ. Một nguồn lực được ghi nhận là tài sản trên bảng cân đối kế toán trước hết phải thỏa mãn đồng thời:
- Lượng hóa được bằng tiền.
- Giá trị được xác định một cách đáng tin cậy.
Điều kiện thứ hai, đơn vị kế toán kiểm soát được
Cơ sở của điều kiện này là yêu cầu về tính thận trọng, coi trọng bản chất kinh tế hơn hình thức pháp lý và ảnh hưởng của lý thuyết điều hành. Đơn vị kế toán kiểm soát được nguồn lực kinh tế khi:
- Đơn vị thu được phần lớn lợi ích kinh tế hợp pháp và gánh chịu phần lớn rủi ro từ việc sử dụng nguồn lực đó.
- Hạn chế được sự tiếp cận của các đối tượng khác đối với lợi ích kinh tế từ nguồn lực đó.
lợi ích kinh tế được mang lại từ nguồn lực do đơn vị kiểm soát và sử dụng mà đơn vị không nhất thiết phải sở hữu. Điều kiện này không nhấn mạnh tính sở hữu của đơn vị kế toán đối với tài sản. Đó là lý do tại sao tài sản phát sinh từ hợp đồng thuê tài chính được bên đi thuê phân loại là tài sản. Mặc dù, về hình thức pháp lý quyền sở hữu vẫn thuộc bên cho thuê.
Điều kiện thứ ba, tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai một cách tương đối chắc chắn
Cơ sở của điều kiện này là khái niệm kỳ kế toán và tính thận trọng. Theo điều kiện này, tài sản phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai chứ không phải tạo ra lợi ích kinh tế của kỳ hiện tại. Tính thận trọng đặt ra yêu cầu khả năng thu được lợi ích kinh tế trong tương lai phải tương đối chắc chắn và kiểm soát được. Như vậy một nguồn lực không tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai hoặc có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai nhưng không chắc chắn thì không được ghi nhận là tài sản.
Khả năng chắc chắn chỉ mang tính tương đối. Biểu hiện ở một số khoản mục được ghi nhận là tài sản chỉ về mặt kỹ thuật kế toán. Ví dụ như chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định không trích trước mà được phân bố dân vào chi phí trên cơ sở thực tế phát sinh.
Lợi ích kinh tế mang lại từ tài sản được biểu hiện trong các trường hợp sau:
- Được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các tài sản khác trong sản xuất sản phẩm để bán hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
- Để bán hoặc trao đổi lấy tài sản khác.
- Để thanh toán các khoản nợ phải trả.
- Để phân phối cho các chủ sở hữu đơn vị kế toán.
- Tăng luồng tiền thu về trong tương lai.
Điều kiện thứ tư, là kết quả hình thành từ giao dịch trong quá khứ
Cơ sở của điều kiện này là: thông tin kế toán là thông tin quá khứ. Theo đó, kế toán chỉ phản ánh những tài sản là kết quả của các nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh và hoàn thành. Kế toán không phản ánh những tài sản sẽ được hình thành trong tương lai. Ví dụ như giá trị hàng cam kết sẽ mua trong tương lai.
Xem thêm:
Nợ phải trả là gì? Điều kiện ghi nhận nợ phải trả thế nào?
Mách bạn 3 phương pháp chữa sổ kế toán nhanh nhất
Chi phí là gì? Điều kiện ghi nhận chi phí trong đơn vị kế toán?