Chế Độ Kế Toán Chuẩn mực kế toán Tìm hiểu về chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 21 (The...

Tìm hiểu về chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 21 (The Effects of Changes in Foreign Exchange Rates) – Ảnh hưởng của sự thay đổi tỷ giá hối đoái

1724

IAS 21 quy định cách trình bày các giao dịch bằng ngoại tệ. Hãy cùng tìm hiểu chuẩn mực kế toán quốc tế tại bài viết dưới đây.

Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 21 - Ảnh hưởng của thay đổi TGHĐ

I. Mục đích và phạm vi áp dụng

1. Mục đích

Mục đích của IAS 21 là hướng dẫn doanh nghiệp cách trình bày các giao dịch bằng ngoại tệ và các hoạt động ở nước ngoài trên báo cáo tài chính của mình. Đồng thời IAS 21 hướng dẫn doanh nghiệp cách chuyển đổi báo cáo tài chính trình bày theo đồng tiền chức năng sang báo cáo tài chính trình bày theo đồng tiền báo cáo.

2. Phạm vi áp dụng

IAS 21 áp dụng cho:

  • Các kế toán giao dịch và đánh giá lại số dư có gốc ngoại tệ. Ngoại trừ những giao dịch và số dư thuộc phạm vi điều chỉnh của IFRS 9.
  • Chuyển đổi kết quả và tình hình tài chính của các hoạt động ở nước ngoài khi hợp nhất, hợp nhất theo tỉ lệ hoặc áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu.
  • Chuyển đổi kết quả và tình hình tài chính của doanh nghiệp sang đồng tiền báo cáo.

II. Các thuật ngữ cơ bản

1. Đồng tiền báo cáo

Đồng tiền báo cáo là đồng tiền được sử dụng khi trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

2. Ngoại tệ

Ngoại tệ là đồng tiền khác với đồng tiền chức năng của doanh nghiệp.

3. Chênh lệch tỷ giá hối đoái

Chênh lệch tỷ giá hối đoái là chênh lệch phát sinh từ việc chuyển đổi cùng một số lượng tiền tệ sang đơn vị tiền tệ khác theo các tỷ giá hối đoái khác nhau.

4. Tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái là tỷ giá trao đổi giữa 2 đồng tiền.

5. Khoản mục tiền tệ

Khoản mục tiền tệ là các khoản tiền được giữ và các tài sản, công nợ sẽ nhận được hoặc phải trả với số lượng cố định hoặc có thể xác định được bằng tiền.

6. Hoạt động ở nước ngoài

Hoạt động ở nước ngoài là một đơn vị là công ty công, công ty liên kết, liên doanh hoặc chi nhánh của đơn vị lập báo cáo mà hoạt động của đơn vị này diễn ra ở một nước hoặc bằng đơn vị tiền tệ khác với đơn vị báo cáo.

7. Khoản đầu tư thuần trong một hoạt động ở nước ngoài

Khoản đầu tư thuần trong một hoạt động ở nước ngoài là giá trị lợi ích của đơn vị báo cáo trong tài sản thuần của hoạt động đó.

8. Đồng tiền chức năng

Đồng tiền chức năng là đồng tiền được sử dụng trong môi trường kinh tế chính mà đơn vị đang hoạt động. Môi trường kinh tế chính nơi đơn vị đang hoạt động thường là nơi phát sinh dòng tiền vào và dòng tiền ra chủ yếu của đơn vị.

Đồng tiền chức năng của một đơn vị phản ánh những giao dịch, sự kiện và các điều kiện hoạt động quan trọng liên quan tới đơn vị đó. Vì vậy đơn vị không được tùy ý thay đổi đồng tiền chức năng của mình trừ khi có sự thay đổi trong những giao dịch, sự kiện hay điều kiện hoạt động của đơn vị.

Doanh nghiệp cần xem xét những yếu tố sau để xác định đồng tiền chức năng của mình:

  • Đồng tiền có ảnh hưởng chủ yếu tới giá bán sản phẩm và dịch vụ và đồng tiền của quốc gia mà sức cạnh tranh và các quy định có ảnh hưởng chủ yếu tới việc xác định giá bán của hàng hóa và dịch vụ.
  • Đồng tiền có ảnh hưởng chủ yếu tới chi phí về lao động, nguyên vật liệu và các chi phí khác của đơn vị.

Những dấu hiệu sau cũng có thể cung cấp bằng chứng về đồng tiền chức năng của một đơn vị:

  • Đồng tiền đơn vị huy động vốn.
  • Đồng tiền được chủ yếu sử dụng trong các hóa đơn thanh toán từ các hoạt động thường ngày của đơn vị.

IAS 21 yêu cầu đơn vị phải chuyển toàn bộ các khoản mục ở giao dịch bằng ngoại tệ sang đồng tiền chức năng. Tuy nhiên không bắt buộc trình bày báo cáo tài chính bằng loại tiền tệ này.

III. Trình bày các giao dịch bằng ngoại tệ theo đồng tiền chức năng

1. Ghi nhận ban đầu

Một giao dịch bằng ngoại tệ là giao dịch được xác định bằng ngoại tệ hoặc yêu cầu thanh toán bằng ngoại tệ. Một giao dịch bằng ngoại tệ phải được hạch toán và ghi nhận ban đầu theo đồng tiền chức năng. Ghi nhận bằng việc áp dụng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền chức năng và ngoại tệ tại ngày giao dịch.

Các khoản mục được trình bày như sau:

  • Các khoản mục tiền tệ: trình bày theo tỷ giá cuối kỳ báo cáo.
  • Các khoản mục phi tiền tệ được xác định theo giá gốc: trình bày theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch.
  • Các khoản mục phi tiền tệ được xác định theo giá trị hợp lý: trình bày theo tỷ giá hối đoái tại ngày xác định giá trị hợp lý.

2. Ghi nhận chênh lệch tỷ giá

Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ hoặc trong việc trình bày các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ của một đơn vị theo cách tính giá khác với tỷ giá hối đoái đã được ghi nhận ban đầu hoặc đã được báo cáo trong báo cáo tài chính trước.

Chênh lệch này được ghi nhận vào lãi hoặc lỗ trong kỳ chúng phát sinh. Ngoại trừ trường hợp liên quan đến việc trình bày khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh liên quan đến khoản đầu tư thuần tại hoạt động ở nước ngoài trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Khi giao dịch được thanh toán trong cùng một kỳ kế toán: toàn bộ khoản chênh lệch tỷ giá sẽ được ghi nhận trong kỳ đó.

Giao dịch được thanh toán vào kỳ kế toán sau: chênh lệch tỷ giá được ghi nhận trong mỗi kỳ tới ngày thanh toán được xác định theo sự thay đổi của tỷ giá tương ứng với mỗi kỳ kế toán.

IV. Sử dụng đồng tiền báo cáo thay đồng tiền chức năng

Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 21 - Ảnh hưởng của thay đổi TGHĐ

Các bước chuyển đổi báo cáo tài chính từ đồng tiền chức năng sang một đồng tiền báo cáo khác:

  • Các khoản mục tài sản và nợ phải trả được chuyển đổi theo tỷ giá cuối kỳ.
  • Các khoản mục chi phí và doanh thu được chuyển đổi theo tỷ giá tại ngày giao dịch.
  • Tất cả các khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh được ghi nhận vào báo cáo Thu nhập khác.

V. Trình bày Báo cáo tài chính

Doanh nghiệp trình bày:

  • Khoản chênh lệch tỷ giá ghi nhận vào lãi hoặc lỗ, ngoại trừ những khoản liên quan tới công cụ tài chính theo quy định của IFRS 9.
  • Khoản chênh lệch tỷ giá thuần ghi nhận trong báo cáo thu nhập khác.
  • Đồng tiền chức năng nếu đồng tiền này khác với đồng tiền báo cáo và lý do sử dụng đồng tiền báo cáo khác với đồng tiền chức năng.
  • Lý do thay đổi đồng tiền chức năng (nếu có).

Xem thêm:

Hạch toán tài khoản 344 – Nhận ký quỹ, ký cược chuẩn theo Thông tư 200

Tải về toàn bộ Luật Thương mại số 36/2005/QH11

Kỳ kế toán và những quy định quan trọng cần nắm rõ