Tại sao doanh nghiệp chỉ kiểm toán 1 lần trong năm? Đây là thắc mắc của hầu hết doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa liên quan đến nhiều cơ quan liên ngành.
Công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình kiểm toán
Trong Bản tin quản trị công ty do Sở GDCK TP.HCM và Deloitte phát hành cuối tháng 4 vừa qua, ông Jon Raphael, Phó tổng giám đốc phụ trách vấn đề chuyển đổi Deloitte Mỹ cho rằng, với sự hỗ trợ của công nghệ, rất có thể tần suất kiểm toán và các xác nhận đảm bảo sẽ tăng lên nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của các nhà đầu tư cũng như các bên liên quan trên TTCK.
Nhận định trên xuất phát từ việc báo cáo tài chính kiểm toán được doanh nghiệp phát hành hàng năm, nhưng những giao dịch chứng khoán lại chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thông tin vào thời gian mà các tổ chức công bố.
Tương tự, chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động (KPI) và tuyên bố của ban điều hành doanh nghiệp đều là những thông tin không được kiểm toán và đảm bảo, nhưng luôn có những ảnh hưởng lớn đến giao dịch chứng khoán.
Tại sao doanh nghiệp chỉ kiểm toán 1 lần trong năm?
Theo đó, một ngày không xa, các cổ đông sẽ bắt đầu nghi vấn “Tại sao, trong thế giới tràn ngập dữ liệu tài chính và thông tin về công ty như hiện nay, lại chỉ kiểm toán 1 lần trong năm?”.
Cổ đông, nhà đầu tư đang và sẽ nhận ra rằng, công nghệ có thể giúp đạt được nhu cầu đảm bảo rộng hơn và đúng hạn hơn.
Dù hiện nay, các doanh nghiệp không bắt buộc phải áp dụng công nghệ vào việc kiểm toán, nhưng nếu bộ phận tài chính – kế toán của doanh nghiệp áp dụng công nghệ trong công việc thì sẽ là một lợi thế.
Theo chuyên gia Deloitte, tiến bộ về công nghệ và sáng tạo cũng đang diễn ra trong lĩnh vực kế toán và tài chính, nơi những công nghệ mới đang được áp dụng để hỗ trợ phát triển và kiểm soát kết quả hoạt động cũng như nhận biết các dấu hiệu rủi ro nhằm đánh giá kết quả hoạt động, phân tích rủi ro và trợ giúp ban điều hành các doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh.
Tự động hóa trong lĩnh vực kiểm toán
Một khảo sát của Deloitte gần đây cho biết, có 54% các tổ chức đã áp dụng quy trình tự động hóa robot (RPA) trong lĩnh vực kế toán, tài chính, trong khi có 25% phát triển và ứng dụng RPA trong hoạt động.
Ngành kiểm toán cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ nhận thức để quản lý theo mức độ ảnh hưởng đối với phương thức, chất lượng, chiều sâu và tính thời điểm của kiểm toán.
Những công nghệ trên thường hỗ trợ phân tích toàn bộ tập hợp các giao dịch và tài khoản, hơn là chỉ phân tích mẫu.
Công nghệ sẽ cho phép kiểm toán viên thực hiện công tác đánh giá rủi ro trong cả dữ liệu nội bộ và dữ liệu bên ngoài – ngay gần hoặc tại thời điểm phát sinh.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp quy mô lớn hiện nay phải công bố báo cáo kiểm toán năm và báo cáo soát xét bán niên.
Nếu công nghệ được áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán thì sẽ hỗ trợ nhà đầu tư có thông tin xác thực về doanh nghiệp, từ đó giảm thiểu rủi ro do về độ trễ cũng như những sai lệch thông tin tại doanh nghiệp.
Xem thêm
Một người có thể làm kế toán trưởng ở nhiều công ty cùng lúc không?
Những công việc kế toán cần hoàn thành trong tháng 5/2020
Những điều cơ bản khi hạch toán kế toán trong công ty bất động sản