Quy định Những thay đổi trong Mức hưởng chế độ tai nạn lao động...

Những thay đổi trong Mức hưởng chế độ tai nạn lao động năm 2020

1281
Những thay đổi trong Mức hưởng chế độ tai nạn lao động năm 2020

Hưởng chế độ tai nạn lao động là một trong những chính sách an sinh hữu ích nhất hiện nay. Mức tiền hưởng chế độ này sẽ chia sẻ gánh nặng, giúp người lao động vượt qua khó khăn khi gặp rủi ro trong quá trình lao động.

Những thay đổi trong Mức hưởng chế độ tai nạn lao động năm 2020

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, khi bị tai nạn lao động, cả người sử dụng lao động và quỹ bảo hiểm tai nạn lao động đều phải có trách nhiệm hỗ trợ người lao động. Cụ thể mức hưởng chế độ tai nạn lao động mới nhất như sau:

Mức hưởng chế độ tai nạn lao động từ người sử dụng lao động

Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 nêu rõ, đối với người lao động bị tai nạn lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định:

+ Phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đối với người lao động tham gia BHYT;

+ Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5%;

+ Toàn bộ chi phí y tế với người lao động không tham gia BHYT.

– Trả đủ tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

– Bồi thường cho người bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của họ gây ra:

+ Ít nhất 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5 – 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11 – 80%;

+ Ít nhất 30 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

– Trợ cấp cho người bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức nêu trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

– Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

Lưu ý: Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, trả lương cho người lao động là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Những thay đổi trong Mức hưởng chế độ tai nạn lao động năm 2020

Mức hưởng từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

Theo Thông tư 26 năm 2017 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, căn cứ tình trạng, mức độ thương tật và mức suy giảm khả năng lao động mà người lao động được nhận các khoản trợ cấp khác nhau:

Trợ cấp 1 lần

(Áp dụng với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5 – 30%)

Mức trợ cấp 1 lần = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động
  = {5 x Lmin + (m-5) x 0,5 x Lmin} + {0,5 x L + (t-1) x 0,3 x L}

Trong đó:

– Lmin: Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.

Từ 01/01/2020: Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng.

Từ 01/7/2020: Mức lương cơ sở là 1,6 triệu đồng/tháng.

– m: Mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 30).

– L: Mức lương tháng đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.

– t: Tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.

Trợ cấp hàng tháng

(Áp dụng với người bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên)

Mức trợ cấp hàng tháng = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động
  = {0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin} + {0,005 x L + (t-1) x 0,003 x L}

Trong đó:

– Lmin: Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.

Từ 01/01/2020: Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng.

Từ 01/7/2020: Mức lương cơ sở là 1,6 triệu đồng/tháng.

– m: Mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động (lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100).

– L: Mức lương tháng đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.

– t: Tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.

Trợ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

Người bị tai nạn lao động bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể được cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn.

Trợ cấp phục vụ

(Áp dụng với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù 2 mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần)

Mức trợ cấp phục vụ hàng tháng = Mức lương cơ sở

Từ 01/01/2020: Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng.

Từ 01/7/2020: Mức lương cơ sở là 1,6 triệu đồng/tháng.

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị

(Áp dụng với người trở lại làm việc sau điều trị ổn định thương tật mà sức khỏe chưa phục hồi)

Mức trợ cấp mỗi ngày = 30% x Mức lương cơ sở

Từ 01/01/2020: Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp mỗi ngày bằng 30% x 1.490.000 đồng = 447.000 đồng.

Từ 01/7/2020: Mức lương cơ sở là 1,6 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp mỗi ngày bằng 30% x 1.600.000 đồng = 480.000 đồng.

Lưu ý:

Người lao động được nghỉ chế độ từ 05 – 10 ngày:

– Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động mà suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;

– Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động mà suy giảm khả năng lao động từ 31% – 50%;

– Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động mà suy giảm khả năng lao động từ 15% – 30%.

Trợ cấp 1 lần khi chết

(Áp dụng cho thân nhân của người bị tai nạn lao động chết)

Mức trợ cấp 1 lần = 36 x Mức lương cơ sở

Từ 01/01/2020: Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp 1 lần khi chết bằng 36 x 1,49 triệu đồng = 53,64 triệu đồng.

Từ 01/7/2020: Mức lương cơ sở là 1,6 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp 1 lần khi chết bằng 36 x 1,6 triệu đồng = 57,6 triệu đồng.

Xem thêm:

Người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần trong một năm?

Khi nào doanh nghiệp được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động?

Nữ lao động nghỉ thai sản rồi nghỉ việc luôn có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Nghỉ việc sau khi nghỉ không lương có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Hướng dẫn tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định mới nhất

Kỳ kế toán và những quy định quan trọng cần nắm rõ