Các nguyên tắc cơ bản được xây dựng nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ kế toán như ghi chép tài liệu kế toán, lập báo cáo tài chính đúng theo chuẩn mực kế toán đã được ban hành. Vì vậy, ngoài việc nắm rõ bộ chuẩn mực kế toán, doanh nghiệp rất cần phải ghi nhớ và hiểu rõ 7 nguyên tắc cơ bản dưới đây.
Theo Chuẩn mực kế toán số 01 có 7 nguyên tắc kế toán sau:
- Nguyên tắc cơ sở dồn tích
- Nguyên tắc hoạt động liên tục
- Nguyên tắc giá gốc
- Nguyên tắc phù hợp
- Nguyên tắc nhất quán
- Nguyên tắc thận trọng
- Nguyên tắc trọng yếu
1. Nguyên tắc cơ sở dồn tích
Nguyên tắc này đề cập đến các nghiệp vụ kinh tế, tài chính sau của doanh nghiệp:
- Tài sản
- Nợ phải trả
- Nguồn vốn chủ sở hữu
- Doanh thu
- Chi phí
Tất cả các nghiệp vụ này sẽ cần được đảm bảo:
– Ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền.
– Báo cáo tài chính lập trên cơ sở dồn tích phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
2. Nguyên tắc hoạt động liên tục
Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình.
Trường hợp thực tế khác với giả định hoạt động liên tục thì báo cáo tài chính phải lập trên một cơ sở khác và phải giải thích cơ sở đã sử dụng để lập báo cáo tài chính.
Ngoài ra, nguyên tắc này còn làm cơ sở cho phương pháp tính hao mòn để phân chia giá trị tài sản cố định vào các chi phí hoạt động của doanh nghiệp theo thời gian hoạt động của nó.
3. Nguyên tắc giá gốc
Tài sản được ghi nhận theo giá gốc. Giá gốc tài sản được hình thành theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lí của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận.
Chú ý: Giá trị các chỉ tiêu về tài sản, công nợ, chi phí…được tính theo giá ở thời điểm mua tài sản đó, không phải giá trị tại thời điểm xác định giá tài sản tính theo giá thị trường.
4. Nguyên tắc phù hợp
Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó.
Chi phí tương ứng có liên quan đến tạo ra doanh thu bao gồm:
– Chi phí của kỳ tạo ra doanh thu: là các chi phí đã phát sinh thực tế trong kì và liên quan đến việc tạo ra doanh thu của kì đó.
– Chi phí của kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kì đó.
5. Nguyên tắc nhất quán
Các chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất ít nhất trong một kỳ kế toán năm.
Trường hợp có thay đổi chính sách và phương pháp kế toán đã chọn thì phải giải trình lý do và ảnh hưởng của sự thay đổi đó trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.
Nguyên tắc nhất quán có ý nghĩa trong việc:
– Đảm bảo thông tin mang tính ổn định.
– Phục vụ việc so sánh giữa các kỳ kế toán với nhau, giữa kế hoạch và thực tế thực hiện.
6. Nguyên tắc thận trọng
Nội dung nguyên tắc: “là việc phải xem xét, cân nhắc, có những phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng yêu cầu việc ghi tăng vốn chủ sở hữu chỉ được thực hiện khi có bằng chứng chắc chắn, còn việc ghi giảm vốn chủ sở hữu phải được ghi nhận từ khi có chứng cứ về khả năng có thể xay ra.”
Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi kế toán:
– Phải lập các khoản dự phòng không phản ánh cao hơn giá trị tài sản thực tế có thể thực hiện.
– Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập.
– Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí.
– Doanh thu và thu nhập chỉ ghi nhận khi có các bằng chứng chắc chắn.
– Chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.
7. Nguyên tắc trọng yếu
Nội dung nguyên tắc: “kế toán phải thu thập, xử lí và cung cấp đầy đủ những thông tin có tình chất trọng yếu, còn những thông tin không mang tính chất trọng yếu, ít có tác dụng hoặc có ảnh hưởng không đáng kể tới quyết định của người sử dụng thì có thể bỏ qua.”
Chú ý:
– Thông tin được coi là trọng yếu nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính.
– Tính trọng yếu của thông tin phụ thuộc vào độ lớn và tính chất hoặc các sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể.
– Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét trên cả phương diện định tính và định lượng.
Doanh nghiệp cần hiểu rõ 7 nguyên tắc cơ bản trên để tuân thủ chính xác khi thực hiện một chuẩn mực kế toán bất kì.