Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP thì khi chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, doanh nghiệp đang sử dụng mẫu phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ sẽ chuyển sang sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử. Ketoan.vn sẽ cùng các bạn đi tìm hiểu phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử là gì và phiếu này được sử dụng trong những trường hợp nào nhé.
1. Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử là gì?
Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP thì 100% đơn vị, cá nhân kinh doanh phải chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, trong đó có cả các doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ. Khi chuyển sang hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp này sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử thay thế phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.
2. Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử được sử dụng khi nào?
Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử. Tại khoản 5 Điều 6, lần đầu tiên quy định về phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử. Và nó được áp dụng cho các trường hợp như sau:
- Xuất hàng trả ủy thác nhập khẩu khi hàng hóa chưa nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu.
- Xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu.
- Xuất hàng hóa giao cho doanh nghiệp nhận ủy thác nhập khẩu.
- Xuất gửi hàng đại lý cho doanh nghiệp nhận bán hàng đại lý.
- Xuất hàng hóa đi gia công.
- Xuất, điều chuyển hàng hóa, tài sản giữa các đơn vị, chi nhánh hạch toán phụ thuộc với nhau.
- Xuất khi bán hàng lưu động.
- Góp vốn bằng tài sản
- Tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Lưu ý:
Doanh nghiệp xuất hàng hóa cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc có thể sử dụng hóa đơn hoặc phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử nhưng cần lưu ý các vấn đề sau:
- Nếu chi nhánh phụ thuộc tự kê khai thuế GTGT (khác tỉnh với trụ sở chính) tại địa phương thì khi xuất hàng cho chi nhánh, trụ sở chính có thể xuất hóa đơn hoặc phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử; nếu trụ sở chính xuất hàng cho chi nhánh bằng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử thì phải xuất lại hóa đơn GTGT để chi nhánh có căn cứ kê khai, khấu trừ thuế.
- Nếu chi nhánh (hoặc cửa hàng) phụ thuộc không thực hiện hạch toán kế toán khai thuế GTGT về trụ sở chính, khi trụ sở xuất hàng hóa về chi nhánh xuất bằng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử (không xuất hóa đơn); định kỳ chi nhánh (cửa hàng) lập bảng kê bán hàng hóa tiêu thụ về trụ sở chính để trụ sở chính xuất hóa đơn cho khách hàng ghi doanh thu.
3. Các chỉ tiêu ghi trên phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử
Theo khoản 3 điểm g Điều 3 Thông tư 68/2019/TT-BTC thì nội dung của Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử được quy định như sau:
“g) Đối với Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử thì trên Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử không thể hiện các tiêu thức người mua mà thể hiện tên người vận chuyển, phương tiện vận chuyển, địa chỉ kho xuất hàng, địa chỉ kho nhập hàng; không thể hiện tiền thuế, thuế suất, tổng số tiền thanh toán.”.
Như vậy, khác với Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử không ghi số giá trị hàng hóa, tiền thuế mà chỉ ghi các chỉ tiêu sau:
- Tên người vận chuyển hàng hóa,
- Phương tiện vận chuyển (xe, tàu …),
- Địa chỉ kho xuất hàng, địa chỉ kho nhận hàng,
- Tên, chủng loại, số lượng hàng hóa.
Như vậy, bài viết trên đã cùng các bạn đi tìm hiểu phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ là gì và những lưu ý khi sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định của pháp luật. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với các bạn trong quá trình làm việc. Chúc các bạn thành công!
Xem thêm
Phiếu xuất nhập/kho doanh nghiệp, bạn đã biết cách viết chưa?
Hướng dẫn hạch toán tài khoản 627 – Chi phí sản xuất chung theo Thông tư 200
Hạch toán tài khoản 343 – Trái phiếu phát hành chuẩn theo Thông tư 200
Quy định và thủ tục hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng xuất khẩu
Cách tính giá thành sản xuất theo phương pháp giản đơn và hệ số