Tài sản cố định (TSCĐ) là một khoản mục quan trọng trong kế toán doanh nghiệp mà mọi nhân viên kế toán cần nắm rõ và hạch toán chính xác. Tuy nhiên, với nhiều thay đổi liên tục trong các quy định kế toán, điều kiện ghi nhận TSCĐ cũng có nhiều sự khác biệt qua các năm. Vì vậy, việc cập nhật những quy định mới nhất về điều kiện ghi nhận TSCĐ sẽ giúp các kế toán viên thuận lợi hơn trong quá trình hạch toán tài sản của doanh nghiệp!
1. Điều kiện ghi nhận tài sản cố định hữu hình của doanh nghiệp
Khoản 1, Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định như sau:
“Điều 3. Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định:
1. Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập. Hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được.
Nếu thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
b) Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
c) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.
Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau. Trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau. Và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập.”
Như vậy, tài sản doanh nghiệp đáp ứng đủ 3 yếu tố trên mới được ghi nhận là tài sản cố định hữu hình. Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố, kế toán hạch toán tài sản đó vào mục “Công cụ dụng cụ”.
Lưu ý:
- Các TSCĐ mà DN đang trích khấu hao theo quy định cũ (Thông tư 203/2009/TT-BTC), hiện không đáp ứng được tiêu chuẩn về nguyên giá TSCĐ nêu trên, thì giá trị chênh lệch sẽ được phân bổ vào “chi phí sản xuất kinh doanh” của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không quá 3 năm kể từ ngày 10/06/2013.
- Các chi phí dùng để đầu tư nâng cấp tài sản cố định hữu hình thì hạch toán tăng nguyên giá của TSCĐ hữu hình đó.
- Chi phí sửa chữa, bảo dưỡng TSCĐ hữu hình hạch toán vào “chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ” của doanh nghiệp, không điều chỉnh tăng nguyên giá TSCĐ hữu hình.
2. Điều kiện ghi nhận tài sản cố định vô hình
Tất cả các khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi trả được ghi nhận TSCĐ vô hình khi thỏa mãn cả 3 yếu tố ở phần Ghi nhận tài sản cố định hữu hình, nhưng không hình thành tài sản cố định hữu hình.
Các khoản chi phí nếu không thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện thì được hạch toán (trực tiếp hoặc phân bổ dần) vào “chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ” của doanh nghiệp.
Các chi phí được ghi nhận là tài sản cố định vô hình phát sinh trong quá trình triển khai, nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
“a) Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;
b) DN dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;
c) DN có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;
d) Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai;
đ) Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;
e) Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó;
g) Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho tài sản cố định vô hình.”
Các khoản chi phí sau không được hạch toán vào TSCĐ vô hình mà ghi chi phí kinh doanh của doanh nghiệp (phân bổ không quá 3 năm):
- Chi phí thành lập doanh nghiệp
- Chi phí nghiên cứu và phát triển
- Chi phí quảng cáo, truyền thông trước khi thành lập doanh nghiệp
- Chi phí đào tạo
- Chi phí chuyển giao bằng sáng chế, tài liệu kỹ thuật, bản quyền, nhãn hiệu, giấy phép chuyển giao công nghệ
- Chi phí chuyển dịch địa điểm kinh doanh
Xem thêm
Hạch toán tài khoản 441 – Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng dẫn của Thông tư 200
Hạch toán tài khoản 419 – Cổ phiếu quỹ theo hướng dẫn của Thông tư 200
Hạch toán tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo hướng dẫn của Thông tư 200