Nổi bật 2 Từ 2021, bị sếp mắng chửi có được nghỉ việc luôn?

Từ 2021, bị sếp mắng chửi có được nghỉ việc luôn?

973

Trong quá trình làm việc không tránh khỏi có sai sót khiến nhân viên bị sếp nhắc nhở, thậm chí la mắng, quát tháo. Vậy trong trường hợp bị sếp mắng chửi, nhân viên có được nghỉ việc luôn không?

Từ 2021, bị sếp mắng chửi có được nghỉ việc luôn?

Nhân viên có quyền nghỉ việc luôn nếu bị xúc phạm

Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 quy định, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà không cần báo trước trong các trường hợp sau:

– Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận, trừ trường hợp khác;

– Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng hạn, trừ trường hợp khác;

– Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

– Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc vì công việc có ảnh hưởng xấu tới thai nhi;

– Đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

– Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Theo đó, nếu như người sử dụng lao động có lời nói, hành vi nhục mạ làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người lao động thì người lao động đó có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

Như vậy, nhân viên hoàn toàn có quyền nghỉ việc luôn nếu bị sếp mắng chửi, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của mình mà không cần báo trước.

Nghỉ việc do bị sếp mắng chửi, vẫn được thanh toán lương

Như đã phân tích, trường hợp người lao động tự nghỉ việc do bị sếp mắng chửi, xúc phạm được coi là đơn phương chấm dứt HĐLĐ hợp pháp. Do đó, người lao động được hưởng các quyền lợi chính đáng sau:

Được thanh toán tiền lương

Căn cứ khoản 1 Điều 48 BLLĐ năm 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng. Trường hợp có thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Như vậy, ngay cả khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng do bị chửi mắng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì người sử dụng lao động cũng phải thanh toán các khoản tiền lương, trợ cấp, phụ cấp được thỏa thuận trong HĐLĐ hoặc thỏa ước lao động tập thể.

Được chi trả trợ cấp thôi việc

Vì HĐLĐ chấm dứt do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp nên ngoài việc được thanh toán tiền lương, người lao động còn được hưởng trợ cấp thôi việc do người sử dụng lao động chi trả (căn cứ Điều 46 BLLĐ 2019).

Để được hưởng khoản tiền này, người lao động phải làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, cụ thể:

Tiền trợ cấp thôi việc = 1/2 x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Trong đó:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Lưu ý, người lao động ký hợp đồng lao động từ ngày 01/01/2009 sẽ không được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc do đã được đóng bảo hiểm thất nghiệp kể từ khi ký hợp đồng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Các quyền lợi khác

Theo khoản 3 Điều 48 BLLĐ 2019, người lao động còn được người sử dụng lao động hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác (nếu có).

Đồng thời, người lao động cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Khi nghỉ việc, người lao động còn được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán trợ cấp thất nghiệp với mức trợ cấp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp (Điều 50 Luật Việc làm).

Xúc phạm người lao động, sếp có thể bị xử lý như thế nào?

Bên việc nghỉ làm do bị sếp mắng chửi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, người lao động còn có thể nhờ đến sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết khi danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm phạm.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính

Cụ thể Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

  1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
  2. a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

Theo đó, nếu người sử dụng lao động có cử chỉ, lời nói xúc phạm người lao động có thể bị phạt tiền lên đến 300.000 đồng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội làm nhục người khác:

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Như vậy, nếu hành vi chửi mắng xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người lao động, người sử dụng lao động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác với khung nhẹ nhất là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Xem thêm:

Mời tải về mẫu Đơn xin nghỉ việc chuyên nghiệp nhất

Những trường hợp nghỉ việc không được hưởng trợ cấp thôi việc từ năm 2021

Khi đã nghỉ việc thì có được tự đóng Bảo hiểm xã hội không?

Nghỉ ốm có được tính vào thời gian báo trước khi nghỉ việc?

Nghỉ việc trước khi nghỉ thai sản có được hưởng chế độ thai sản không?