IAS 26 – Kế toán và báo cáo lợi ích hưu trí đưa ra các định nghĩa về các Quỹ phúc lợi, quy định cách thức đo lường đối với mỗi loại khác nhau. Trong bài viết này, Ketoan.vn sẽ giới thiệu tới bạn đọc chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 26 – Accounting and Reporting by Retirement Benefit Plans (Kế toán và báo cáo lợi ích hưu trí).
International Accounting Standard (IAS) là các Chuẩn mực Kế toán Quốc tế được Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASC), có trụ sở tại Luân Đôn, vương quốc Anh ban hành từ năm 1973 đến năm 2001. Sau thời điểm này, IASC tái cấu trúc thành Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB). IASB kế thừa các IAS do IASC ban hành, đồng thời sửa đổi và ban hành các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế mới là International Financial Reporting Standard (IFRS).
1. Định nghĩa trong IAS 26
Quỹ phúc lợi hưu trí: là các thỏa thuận trong đó đơn vị cung cấp phúc lợi cho người lao động trong hoặc sau khi chấm dứt phục vụ (dưới hình thức thu nhập hàng năm hoặc khoán một khoản tiền) khi những khoản phúc lợi đó hoặc các khoản đóng góp của người sử dụng lao động cho các quỹ này có thể được xác định hoặc ước tính trước khi người lao động nghỉ hưu dựa trên tài liệu hoặc thực tiễn tại đơn vị.
Quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định: là các quỹ phúc lợi hưu trí mà các khoản chi trả cho phúc lợi hưu trí được xác định dựa trên các khoản đóng góp cùng với các khoản thu nhập từ đầu tư của trên đó.
Quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định: là các quỹ phúc lợi hưu trí mà số tiền chi trả cho phúc lợi hưu trí được xác định bằng cách tham chiếu đến một công thức tính toán thường dựa trên thu nhập của người lao động và/hoặc số năm làm việc.
2. Quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định theo IAS 26
Báo cáo tài chính của quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định bao gồm báo cáo về giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi và mô tả về chính sách gây quỹ.
3. Quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định theo IAS 26
Báo cáo tài chính của quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định sẽ bao gồm:
- Báo cáo trình bày: Giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi; giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê; phân biệt giữa các khoản phúc lợi nhận được; và các khoản phúc lợi chưa nhận được; và phần thặng dư hoặc thâm hụt của quỹ;
- Báo cáo về giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi bao gồm: Thuyết minh về giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê; phân biệt giữa các khoản phúc lợi nhận được và các khoản phúc lợi chưa nhận được; hoặc tham chiếu đến thông tin này trên một báo cáo thống kê đính kèm.
4. Trường hợp việc định giá theo mô hình thống kê chưa được thực hiện tại ngày lập báo cáo tài chính
Định giá gần nhất sẽ được sử dụng làm cơ sở và ngày định giá được trình bày. Với mục đích được đề cập như trong đoạn 17; giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê phải căn cứ trên giá trị phúc lợi được cam kết theo các điều khoản của quỹ dựa trên thời gian làm việc của người lao động tới nay sử dụng mức lương hiện tại hoặc mức lương dự kiến và thuyết minh cơ sở tính toán được sử dụng. Ảnh hưởng của bất cứ thay đổi nào trong các giả định của mô hình thống kê mà có tác động trọng yếu đến giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê sẽ được thuyết minh.
Báo cáo tài chính sẽ trình bày mối quan hệ giữa giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê và giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi; cũng như chính sách trích lập quỹ cho các khoản phúc lợi đã được cam kết.
Các khoản đầu tư của quỹ phúc lợi hữu trí được ghi nhận theo giá trị hợp lý. Trong trường hợp các khoản đầu tư này là chứng khoán giao dịch trên thị trường; giá trị hợp lý là giá trị thị trường. Trường hợp các khoản đầu tư của quỹ được nắm giữ không thể ước tính được giá trị hợp lý; cần thuyết minh lý do tại sao không thể sử dụng giá trị hợp lý.
5. Trình bày báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính của Quỹ phúc lợi hưu trí cũng bao gồm những thông tin sau:
- Phân loại tài sản phù hợp tại thời điểm cuối kỳ báo cáo;
- Cơ sở định giá tài sản;
- Chi tiết các khoản đầu tư vượt quá 5% giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi hoặc 5% giá trị đầu tư của mỗi loại chứng khoán;
- Chi tiết của các khoản đầu tư vào bên sử dụng lao động;
- Các khoản nợ phải trả khác ngoài giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê.
Báo cáo về các sự thay đổi trong giá trị tài sản sẵn sàng cho các khoản phúc lợi bao gồm:
- Mức đóng góp của bên sử dụng lao động;
- Mức đóng góp của người lao động;
- Thu nhập từ đầu tư như lãi và cổ tức;
- Thu nhập khác;
- Các khoản phúc lợi đã trả hoặc phải trả (phân tích chi tiết; ví dụ; hưu bổng; tử tuất hoặc chế độ cho thương tật và các khoản thanh toán khoán);
- Chi phí quản lý;
- Chi phí khác;
- Thuế thu nhập;
- Lãi hoặc lỗ từ việc thanh lý các khoản đầu tư và các thay đổi trong giá trị của các khoản đầu tư;
- Việc điều chuyển vốn từ quỹ này sang quỹ khác.
6. Đối với quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định
Giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê (có thể phân biệt giữa các khoản phúc lợi được nhận và các khoản phúc lợi chưa được nhận) dựa trên các lợi ích được cam kết theo các điều khoản của quỹ, theo thời gian làm việc của người lao động sử dụng mức lương hiện tại hoặc mức lương dự kiến; những thông tin này có thể được bao gồm trong một báo cáo riêng của chuyên gia thống kê kèm theo báo cáo tài chính liên quan.
Xem thêm
Tìm hiểu về Chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 19 – Employee Benefits (Lợi ích người lao động)
Tìm hiểu về Chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 12 – Income Taxes (Thuế Thu nhập doanh nghiệp)
Tìm hiểu về Chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 7 – Statement of Cash Flows (Báo cáo lưu chuyển tiền tệ)