Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp được thiết kế dành riêng cho doanh nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích doanh nghiệp và cá nhân. Bảo hiểm là quyền lợi mà doanh nghiệp hoặc cá nhân có quyền lựa chọn mua hay không. Nhưng đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, có 7 ngành nghề bắt buộc phải mua theo quy định pháp luật. Hãy cùng xem bài viết dưới đây để biết công việc của bạn có cần mua loại bảo hiểm này không nhé!
1. Tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng luật sư và Công ty luật)
Theo khoản 6, Điều 40, Luật Luật sư 2006, “Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”.
Như vậy, tổ chức luật sư hoặc văn phòng luật sư cần kí hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ trách nhiệm nghề nghiệp với công ty bảo hiểm hoạt động phù hợp với Luật doanh nghiệp và Luật bảo hiểm. Hợp đồng quy định khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh, người được bảo hiểm có quyền khiếu nại và được bên Công ty bảo hiểm bồi thường như thỏa thuận của hai bên trước đó.
2. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
Theo Điểm c Khoản 2 Điều 8, Điều 92 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, “Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động môi giới bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam”.
Doanh nghiệp môi giời bảo hiểm bắt buộc mua bảo hiểm nghề nghiệp để tránh trường hợp nhân viên tư vấn sai cho khách hàng lựa chọn sản phẩm bảo hiểm không đủ bảo vệ những rủi ro, tổn thất hoặc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm không đủ khả năng bồi thường, xử lý nhanh gọn.
3. Công ty kiểm toán bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp
Khoản 4, Điều 25, Nghị định 105/2004/NĐ-CP quy định như sau:
“Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hoặc trích lập Quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính để tạo nguồn chi trả bồi thường thiệt hại do lỗi của doanh nghiệp gây ra cho khách hàng. Chi phí mua bảo hiểm hoặc trích lập Quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định của Bộ Tài chính”.
Nếu bạn là một kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp, có kỹ năng tốt thì việc xảy ra sai sót trong công việc sẽ rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu trường hợp xấu xảy ra, bạn sẽ phải bồi thường những tổn thất tài chính cho khách hàng, thậm chí bạn có khả năng bồi thường. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp sẽ bảo vệ bạn trong trường hợp này.
4. Nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng
Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 9, Luật Xây dựng 2014 quy định “Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên”.
Một số loại bảo hiểm xã hội chỉ bảo vệ người mua bảo hiểm khi xảy ra tổn thương về thể chất và tinh thần. Còn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp sẽ bảo vệ nhà đầu tư khi xảy ra những vấn đề về: Thiết kế kỹ thuật, thuyết minh, tổng dự toán công trình, Thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chi tiết, Khảo sát ước tính không đủ lượng bê tông cần thiết, Kiến trúc công trình xây dựng không đáp ứng được các yêu cầu chức năng,…(nói chung là những tổn thất về vật chất).
5. Công ty chứng khoán phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp
Theo Khoản 7, Điều 71, Luật Chứng khoán 2006, “Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty”.
6. Công ty quản lý quỹ
Theo khoản 1 Điều 72, khoản 7 Điều 71 Luật Chứng khoán 2006 quy định, công ty quản lý quỹ phải mua bảo hiểm về trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên quản lý quỹ tại công ty theo quy định của pháp luật hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư khi có sự cố kỹ thuật và sai sót của nhân viên quản lý quỹ trong quá trình tác nghiệp.
Nếu không mua loại bảo hiểm này, trong trường hợp xảy ra rủi ro hay xung đột lợi ích, công ty quản lý quỹ có thể không đủ năng lực để bồi thường tổn thất. Bảo hiểm này sẽ bảo vệ công ty của bạn.
7. Doanh nghiệp thẩm định giá phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp
“Doanh nghiệp thẩm định giá phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp để tạo nguồn chi trả bồi thường thiệt hại (nếu có) do doanh nghiệp thẩm định giá gây ra cho người sử dụng kết quả thẩm định giá. Người sử dụng kết quả thẩm định giá là khách hàng thẩm định giá hoặc là bên thứ ba có liên quan do khách hàng thẩm định giá xác định và được doanh nghiệp thẩm định giá thống nhất ghi trong hợp đồng thẩm định giá”.
(Theo Khoản 1 Điều 6 Thông tư 38/2014/TT-BTC quy định)
Ngoài 7 doanh nghiệp bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trên thì những công ty hoặc cơ sở, cá nhân làm nghề công chứng viên, bảo vệ, khám chữa bệnh,… cũng nên mua loại bảo hiểm này để bảo vệ quyền lợi cho mình và khách hàng.
Tham khảo thêm:
9 trường hợp người lao động không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Giải đáp các thắc mắc xung quanh vấn đề bảo hiểm xã hội
Giám đốc có được nhận lương? Có phải đóng bảo hiểm xã hội không?