Kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ Phương pháp kế toán tài khoản 111 – Tiền theo hướng dẫn...

Phương pháp kế toán tài khoản 111 – Tiền theo hướng dẫn của Thông tư 132

363

Bài viết dưới đây sẽ nêu ra các nguyên tắc kế toán và hướng dẫn các bạn định khoản các nghiệp vụ cơ bản liên quan đến tài khoản 111 – Tiền theo hướng dẫn của Thông tư 132/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Phương pháp kế toán tài khoản 111 - Tiền

1. Nguyên tắc kế toán

1.1. Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình thu, chi tiền của doanh nghiệp bao gồm tiền mặt tại quỹ và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn hoặc không có kỳ hạn. Doanh nghiệp tự chi tiết theo yêu cầu quản lý để theo dõi rõ ràng, minh bạch các khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.

1.2. Khi thu, chi tiền mặt phải có phiếu thu, phiếu chi và có đủ chữ ký theo quy định về chứng từ kế toán. Khi hạch toán tiền gửi ngân hàng phải có giấy báo Nợ, giấy báo Có hoặc bảng sao kê của ngân hàng.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 111 – Tiền

Bên Nợ:

  • Các khoản tiền tăng do thu được tiền mặt hoặc thu tiền qua ngân hàng;
  • Các khoản tiền thừa phát hiện khi kiểm kê;

Bên Có:

  • Các khoản tiền giảm do chi tiền mặt hoặc chi tiền qua ngân hàng;
  • Các khoản tiền thiếu hụt phát hiện khi kiểm kê;

Số dư bên Nợ:

Các khoản tiền mặt còn tồn quỹ hoặc các khoản tiền còn dư ở các Ngân hàng.

TK 111 có 2 Tài khoản cấp 2:

  • Tài khoản 1111- Tiền mặt: Phản ánh tình hình thu, chi tồn quỹ tiền mặt của doanh nghiệp
  • Tài khoản 1112- Tiền gửi ngân hàng: Phản ánh số tiền gửi vào, rút ra và hiện còn đang gửi tại các ngân hàng.

3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

3.1. Xuất quỹ tiền mặt gửi vào ngân hàng (kể cả gửi tiết kiệm), ghi:

Nợ TK 1112 – Tiền gửi ngân hàng

Có TK 1111 – Tiền mặt.

Khi rút tiền gửi ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt theo số tiền gốc đã gửi ghi ngược lại bút toán trên.

3.2. Khi thu được tiền lãi tiết kiệm bằng tiền, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền (1111, 1112)

Có TK 91118 – Thu nhập khác (tiền lãi)

3.3. Khi phát sinh doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ và các khoản thu nhập khác:

Nợ TK 111 – Tiền (1111, 1112)

Nợ TK 131 – Các khoản nợ phải thu (nếu chưa thu được tiền)

Có TK 9111- Doanh thu và thu nhập

Có TK 33131 – Thuế GTGT phải nộp.

3.4. Khi phát sinh các khoản vay vốn của ngân hàng hoặc các đối tượng khác bằng tiền, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền (1111, 1112)

Có TK 331 – Các khoản nợ phải trả.

Khi trả nợ vay ngân hàng, số nợ gốc phải trả ghi ngược lại bút toán trên.

Số lãi phải trả ngân hàng bằng tiền ghi:

Nợ TK 91128 – Chi phí khác

Có TK 111 – Tiền (1111, 1112)

3.5. Khi thu hồi các khoản nợ phải thu bằng tiền, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền (1111, 1112)

Có TK 131 – Các khoản nợ phải thu.

3.6. Khi nhận được vốn góp của các thành viên bằng tiền, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền (1111, 1112)

Có TK 411 – Vốn chủ sở hữu

3.7. Chi tiền để mua hàng tồn kho về nhập kho, mua TSCĐ, để thanh toán các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài như điện, nước, điện thoại,…, ghi:

– Nếu doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì hàng tồn kho, TSCĐ mua về, các khoản chi phí phát sinh không bao gồm thuế GTGT, ghi:

Nợ TK 152- Hàng tồn kho (Nếu mua NVL, DC, hàng hóa, chi phí phát sinh phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm)

Nợ TK 211- Tài sản cố định (Nếu mua TSCĐ)

Nợ TK 9112 – Các khoản chi phí (nếu chi phí phát sinh cho hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi trả lãi vay)

Nợ TK 1313 – Thuế GTGT được khấu trừ (số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ)

Có TK 111 – Tiền (1111, 1112).

– Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, giá trị hàng tồn kho, TSCĐ và chi phí bao gồm cả thuế GTGT.

3.8. Chi tiền để thanh toán các khoản nợ nhà cung cấp, trả lương và các khoản trích theo lương, chi nộp thuế vào NSNN và các khoản nợ phải trả khác, ghi:

Nợ TK 331 – Các khoản nợ phải trả

Nợ TK 3313 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (chi nộp thuế)

Có TK 111 – Tiền (1111, 1112).

3.9. Các khoản tiền thiếu phát hiện khi kiểm kê, ghi:

Nợ TK 1318 – Các khoản nợ phải thu khác

Có TK 111 – Tiền (1111, 1112).

3.10. Các khoản tiền thừa phát hiện khi kiểm kê, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền (1111, 1112)Có TK 3318 – Các khoản nợ phải trả

Như vậy, bài viết trên đã giới thiệu với các bạn phương pháp kế toán tài khoản 111 – Tiền theo hướng dẫn của Thông tư 132/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với các bạn trong quá trình làm việc. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm

Doanh nghiệp siêu nhỏ có cần Kế toán trưởng?

6 quyền lợi chỉ doanh nghiệp siêu nhỏ mới có

Hệ thống chứng từ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ

Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ

Quy tắc quản lý tiền siêu hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ