Quản lý thuế là khâu tổ chức, quản lý thu ngân sách nhà nước. Công tác này được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy định thì hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân mới được thúc đẩy, phát triển, nguồn ngân sách nhà nước mới được minh bạch, rõ ràng. Dưới đây, chúng tôi xin cung cấp 8 hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế để người quản lý và người nộp thuế được biết và thực hiện đúng pháp luật.
Luật Quản lý thuế 2019 đã được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế giúp cho các cá nhân, tổ chức không vi phạm các quy định của pháp luật.
1. 8 hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế
“Một là, thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.
Hai là, gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.
Ba là,lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.
Bốn là, cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.
Năm là, cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.
Sáu là, sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.
Bảy là, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
Tám là, làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế.
Luật Quản lý thuế 2019 nêu rõ, mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật.
Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.”
*Nghĩa vụ của người nộp thuế: Để hoạt động quản lý thuế được tiến hành đúng quy định thì người nộp thuế cũng cần lưu ý những điều sau:
– Đăng ký và sử dụng mã số thuế theo quy định.
– Kê khai thuế đầy đủ, trung thực, chính xác.
– Nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời hạn.
– Ghi chép đầy đủ những nghĩa vụ phát sinh trong quá trình kê khai, nộp thuế.
– Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế.
– Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm những quy định trên; có móc nối, thông đồng, bao che với người thuộc cơ quan quản lý thuế.
2. Nguyên tắc trong quản lý thuế
– Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế.
– Việc quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Việc quản lý thuế phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
Bên cạnh đó, để công tác quản lý thuế được thực hiện một cách có hiệu quả, cần xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và hiện đại hóa các quy trình trong quản lý thuế. Đây là 2 nhiệm vụ khá quan trọng của ngành thuế, cơ quan và tổ chức có liên quan.
Đối với những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, người thực hiện nhiệm vụ thu thuế cần tuân thủ. Không chỉ bản thân thực hiện đúng nhiệm vụ mà còn phải tham gia phòng chống, lên án những hành vi gian lận, tham nhũng đối với tài sản chung của nhà nước. Quản lý thuế minh bạch, trong sáng thì kinh tế mới phát triển lành mạnh, bền vững.
Xem thêm:
5 nội dung đáng chú ý Luật Quản lý Thuế năm 2019
Hướng dẫn kê khai và quyết toán thuế với cá nhân chưa có mã số thuế