Quản lý tiền là nhiệm vụ hàng đầu của bất cứ doanh nghiệp nào. Mục đích tạo ra dòng tiền liên tục cho hoạt động kinh doanh và đảm bảo nguồn tài chính luôn ổn định, chắc chắn. Với những doanh nghiệp lớn sẽ có một bộ phận tài chính – kế toán chuyên nghiệp và người chủ tài giỏi quản lý vấn đề này. Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, chưa có nền tảng kinh tế mạnh nên quản lý thế nào để nguồn tiền luôn ổn định và sinh lợi nhuận tốt? Hãy cùng tham khảo 5 quy tắc quản lý tiền siêu hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ qua bài viết dưới đây:
1. Tối thiểu hóa chi phí cuộc sống
Quản lý tiền đâu phải là công việc của riêng kế toán, quan trọng cần có một người chủ biết tính toán và hy sinh cho doanh nghiệp. Nếu bạn mới thành lập và làm chủ một doanh nghiệp nhỏ, trong vài năm đầu bạn có thể gặp khá nhiều khó khăn về vốn, nguồn đầu tư, lợi nhuận,… Chính vì thế, bạn cần lập kế hoạch chi tiêu cho mình trong một khoảng thời gian dài, tập trung hết cho phát triển doanh nghiệp.
Hãy tính toán bạn cần bao nhiêu cho chi tiêu hàng ngày và chỉ rút đúng số tiền đó từ thu nhập của doanh nghiệp. Lượng tiền còn lại hãy đem đầu tư trở lại doanh nghiệp để tiếp tục tạo ra lợi nhuận. Thay vì những chuyến du lịch xa hoa, kỳ nghỉ đắt đỏ, món quà hàng hiệu để tận hưởng thành công khi mới thành lập được doanh nghiệp thì bạn nên dành nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Đừng vội vàng hưởng thụ sớm, kiên nhẫn qua vài năm, khi doanh nghiệp ổn định có lợi nhuận cao hơn thì tận hưởng cũng chưa muộn. Adam Khoo từng chia sẻ trong cuốn ‘Bí quyết tay trắng thành triệu phú’ của mình rằng: Phần lớn mọi người muốn tận hưởng ngay những thành quả đạt được. Chính thói quen này đã ngăn cản họ trên con đường làm giàu của mình. Kết quả là họ tiêu xài nhiều hơn đầu tư.
Quy tắc quản lý tiền đầu tiên dành cho doanh nghiệp nhỏ của bạn chính là tối thiểu hóa chi phí cuộc sống, đầu tư hơn cho phát triển doanh nghiệp.
2. Không thuê nhân viên quá sớm
Chi phí đầu tư của doanh nghiệp, một phần lớn là trả lương cho nhân viên. Một doanh nghiệp nhỏ, quy mô hoạt động chưa lớn thì bạn chỉ nên tuyển nhân viên khi thực sự cần để tiết kiệm một khoản chi phí. Công việc chưa nhiều nhưng bạn đã tuyển mọi vị trí nhân viên, dẫn đến tình trạng nhân viên rảnh rỗi, bạn thì lãng phí tiền bạc và không tận dụng hết sức lao động.
Khi công việc trở nên bận rộn hơn, cảm thấy thường xuyên bị quá tải công việc thì hãy tuyển thêm nhân viên, đáp ứng đủ nhu cầu công việc của bạn. Thậm chí nếu công việc không nhiều thì một nhân viên có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể đấy.
3. Sử dụng chiến lược “JIT”
“JIT” là từ viết tắt của “Just In Time” có nghĩa là vừa đúng lúc. Đây là một quy tắc quản lý tiền, một chiến lược giảm chi phí các khoản tiền vay và hàng tồn kho.
Ví dụ: Nếu bạn dự tính mình cần 200.000 USD để đủ chi phí cho sang năm, thì không cần mượn toàn bộ số tiền 200.000 USD một lúc. Bởi vì nếu bạn làm điều đó, bạn sẽ phải trả lãi vay cho toàn bộ số tiền đó khi mà bạn không sử dụng hết số tiền đó cho đến cuối năm.
Thay vào đó, bạn sẽ vay 50.000 USD trong 2 tháng đầu tiền của năm sau (trừ tháng nghỉ tết). Sau đó lại tiếp tục vay 50.000 USD trong 3 tháng tiếp theo. Cứ theo quy tắc như vậy, bạn sẽ giảm tổng số tiền lãi phải trả ngân hàng. Cứ như vậy khoản tiền đó sẽ tăng lên và bạn tiết kiệm được một khoản tiền lớn sau một thời gian dài.
4. Thỏa thuận với nhà cung cấp
Quy tắc quản lý tiền tiếp theo chính là không ngại thỏa thuận. Doanh nghiệp của bạn sẽ cần phải liên hệ với nhiều nhà cung cấp như dịch vụ giao hàng, cung cấp nguyên, vật liệu, cung cấp điện, nước, dịch vụ bảo vệ. Trong kinh doanh thì đừng nên ngần ngại thỏa thuận với các đối tác của mình khi kí kết hợp đồng. Bạn có thể thương lượng để được cho phép thanh toán sau 30 ngày kể từ khi nhận hóa đơn dịch vụ thay vì phải trả tiền ngay lập tức.
Trong khoảng thời gian gia hạn đó, bạn sẽ được thoải mái xoay nguồn tiền và sắp xếp hóa đơn theo thứ tự ưu tiên. Nhưng cũng cần lưu ý đảm bảo thanh toán ngay lập tức nếu được yêu cầu.
5. Đừng tiêu tiền vào các khoản trích theo lương
Theo quy định của Luật Thuế nhà nước thì doanh nghiệp phải trích một khoản tiền bên cạnh tiền lương của nhân viên như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Kinh phí công đoàn và Bảo hiểm thất nghiệp cho mỗi kỳ thanh toán. Là một người chủ, bạn cần tách biệt khoản chi phí này với các quỹ khác để đảm bảo nộp báo cáo quỹ này đúng định kỳ. Không nên sử dụng quỹ chung vào các hoạt động riêng hay đầu tư khác.
Quy tắc quản lý tiền này giúp bạn tránh việc tiêu tiền không phải của mình vào việc riêng, hạn chế những rắc rối khi báo cáo tài chính cuối tháng.
Xem thêm:
8 hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế mới cập nhật
Giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ 2020