Tin Tức 2 Tiến hành điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ từ...

Tiến hành điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ từ năm 2018 đến 2021

443
Điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ từ năm 2018 đến 2021

Việc điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 đến 2021 sẽ nhằm bảo đảm công bằng với lao động nam và với người nghỉ hưu trước thời điểm trên

Ngày 6-8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã tiến hành lấy ý kiến dự thảo Nghị định về việc điều chỉnh lương hưu đối với số lao động nữ (LĐN) bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 – 2021. Việc lấy ý kiến sẽ kết thúc vào ngày 6-10-2018.

Hơn 91.000 lao động nữ bị ảnh hưởng

Trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết từ ngày 1-1-2018, việc điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật BHXH năm 2014. Bên cạnh một số ưu điểm, quy định thay đổi cách tính lương hưu đối với LĐN đã làm phát sinh sự so sánh giữa LĐN với lao động nam; giữa LĐN nghỉ sau với LĐN nghỉ trước thời điểm 1-1-2018.

Cụ thể, do quy định công thức tính lương hưu của lao động nam được áp dụng nhưng có lộ trình thay đổi dần trong thời gian 5 năm, còn của lao động nữ thì áp dụng thay đổi ngay trong năm 2018. Từ đây dẫn đến một số LĐN nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (từ 1%-10%). Đồng thời cũng tạo ra tâm lý so sánh giữa LĐN và lao động nam (lao động nam chỉ giảm từ 1%-2%).

Theo số liệu dự báo của BHXH Việt Nam, với việc áp dụng công thức tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014, số LĐN bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 – 2021 sẽ có mức lương hưu bị thiệt hơn trong mối tương quan với lao động nam. Lần lượt sẽ là 20.500 người vào năm 2018; 22.000 người vào năm 2019; 23.500 người vào năm 2020 và 25.100 người vào năm 2021.

 

Điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ từ năm 2018 đến 2021
Điều chỉnh mới làm rất nhiều lao động nữ bị ảnh hưởng

Tùy thuộc thời gian đóng và năm nghỉ hưu

Theo dự thảo nghị định, đối tượng điều chỉnh gồm số LĐN bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 – 2021 mà tỉ lệ hưởng lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 điều 56 và khoản 2 điều 74 của Luật BHXH thấp hơn so với người có cùng số năm đóng BHXH bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2017.

Về mức điều chỉnh, LĐN bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH thì tùy vào thời gian đã đóng BHXH, được điều chỉnh tăng lương hưu thêm một khoản tiền được tính bằng tiền lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 điều 56 hoặc khoản 2 điều 74 Luật BHXH nhân với tỉ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đóng BHXH và thời điểm nghỉ hưu. Cụ thể, do thời gian đã đóng BHXH của LĐN là khác nhau nên tỉ lệ hưởng lương hưu bị giảm trừ cũng khác nhau dẫn đến các mức điều chỉnh cũng phải tính toán khác nhau tùy thuộc vào số thời gian đã đóng BHXH và năm nghỉ hưu.

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nguyên tắc tính toán một trường hợp mẫu, sau đó áp dụng cho các trường hợp tương tự. Giả sử LĐN bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018, có đúng 25 năm đóng BHXH, tỉ lệ hưởng lương hưu năm 2018 theo luật là 65%. Trong khi đó, tỉ lệ hưởng lương hưu của người có cùng 25 năm đóng BHXH nhưng nghỉ hưu ở năm 2017 là 75%. Như vậy mức giảm là 10% trong 1 năm (2018 so 2017). Nếu kéo giãn lộ trình giảm tỉ lệ hưởng lương hưu trong 5 năm, từ năm 2018 – 2022, thì mỗi năm LĐN sẽ chỉ bị giảm 2% (bằng 1/5 của 10%) so với năm trước. Do vậy LĐN bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018 giảm 2%; 2019 giảm 4%; 2020 giảm 6%; 2021 giảm 8% và 2022 giảm 10%.

Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng thêm số tiền tương ứng với chênh lệch lương hưu nếu tính theo Luật BHXH (10%) so với nếu thực hiện theo lộ trình như nam giới, tức là sẽ tăng thêm vào tỉ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho LĐN nghỉ hưu năm 2018 là 8%; 2019 là 6%; 2020 là 4%; 2021 là 2% và từ năm 2022 thì không được điều chỉnh vì kết thúc lộ trình như nam giới.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng cách tính nêu trên mới chỉ tính tăng thêm vào tỉ lệ hưởng lương hưu (tỉ lệ %). Nếu điều chỉnh vào lương hưu (số tiền tuyệt đối) thì mức điều chỉnh sẽ cao hơn, tương ứng bằng 12,31% (bằng 8% chia cho 65%) nếu bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018. Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn tiếp theo, mức điều chỉnh tương ứng là: năm 2019 là 9,23%; năm 2020 là 6,15% và năm 2021 là 3,08%. Cụ thể, nếu LĐN có 20 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2018 sẽ được tăng thêm lương 7,27%; nghỉ năm 2019 tăng thêm 5,45%; nghỉ năm 2020 tăng thêm 3,64%; nghỉ năm 2021 tăng thêm 1,82%. Nếu LĐN có 22 năm 7 tháng tới 23 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2018 sẽ được tăng thêm 10,49% lương hưu; nghỉ năm 2019 tăng thêm 7,87%; nghỉ năm 2020 tăng thêm 5,25%; nghỉ năm 2021 tăng thêm 2,62%.

Nếu LĐN có 29 năm 1 tháng tới 29 năm 6 tháng đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2018 sẽ được tăng thêm 1,08% lương hưu; nghỉ năm 2019 tăng thêm 0,81%; nghỉ năm 2020 tăng thêm 0,54%; nghỉ năm 2021 tăng thêm 0,27%. Cũng với cách tính tương tự, có thể tính được mức điều chỉnh cho những trường hợp có thời gian đóng BHXH khác nhau trong khoảng từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.

>> Tỷ lệ trích bảo hiểm theo lương năm mới nhất năm 2019

>> Chính sách mới về tiền lương và phụ cấp có hiệu lực từ 1/7/2019