Trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chắc chắn không thể thiếu quá trình tiêu thụ thành phẩm. Tuy nhiên, nhiều kế toán còn chưa nắm rõ khái niệm cũng như cách hạch toán khâu này như thế nào cho đúng. Vì vậy sau đây ketoan.vn xin giới thiệu cách hạch toán tiêu thụ thành phẩm theo phương pháp trực tiếp để giúp kế toán có thể thực hiện công việc này một cách chuẩn xác nhất.
I. Tiêu thụ thành phẩm là gì
1. Khái niệm
Thành phẩm là những sản phẩm đã được gia công chế biến xong ở bước công nghệ cuối cùng của quá trình sản xuất và đã được kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như chất lượng theo quy định. Khác sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất, thành phẩm là kết quả của quá trình sản xuất gắn liền với quy trình công nghệ nhất định trong phạm vi toàn doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh bán thành phẩm, thành phẩm chính là một phần nằm trong sản phẩm.
Tiêu thụ thành phẩm là giai đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất kinh doanh. Đây là quá trình trao đổi để thực hiện giá trị của hàng hóa, để doanh nghiệp chuyển hóa vốn từ hình thái hiện vật sang tiền và kết quả tiêu thụ.
2. Mục đích
Thành phẩm được bán ra sẽ thu được tiền để bù đắp chi phó, hình thành kết quả kinh doanh. Thực hiện tốt khâu tiêu thụ, hoàn thành kế hoạch bán hàng thì doanh nghiệp mới có thể thu hồi vốn, có điều kiện quay vòng vốn, tiếp tục sản xuất kinh doanh. Ngược lại nếu không tiêu thụ được thành phẩm sẽ dẫn tới ứ đọng và ế thừa, không thu hồi được vốn bỏ ra ban đầu, thu nhập không đủ để bù đắp chi phí, dẫn tới thua lỗ cho doanh nghiệp.
Quá trình tiêu thụ thành phẩm của doanh nghiệp có thể được thực hiện theo các phương pháp: tiêu thụ trực tiếp, giao hàng cho đại lý (ký gửi), bán hàng trả chậm/trả góp… Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu phương pháp tiêu thụ thành phẩm thông dụng được áp dụng nhiều nhất là phương pháp tiêu thụ trực tiếp.
II. Cách hạch toán tiêu thụ thành phẩm theo phương pháp trực tiếp
1. Phản ánh giá vốn hàng bán
Để phản ánh giá vốn hàng bán, kế toán ghi:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 155 – Thành phẩm: Trị giá vốn thực tế của hàng xuất bán
- Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang: Trị giá vốn thực tế hàng xuất bán trực tiếp không qua kho hoặc trị giá lao vụ, dịch vụ hoàn thành bàn giao cho khách hàng
2. Phán ánh doanh thu bán hàng
Nếu hàng bán ra thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo giá bán chưa có thuế, các khoản thuế gián thu phải nộp (chi tiết từng loại thuế) được tách riêng ngay khi ghi nhận doanh thu (kể cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp), ghi:
- Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
- Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)
- Có TK 3331 – Thuế giá trị gia tăng phải nộp
- Có TK 3332 -Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Có TK 3333- Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết xuất khẩu)
- Có TK 33381 – Thuế bảo vệ môi trường
Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp, ghi:
- Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
- Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá bao gồm cả thuế).
Định kỳ kế toán xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:
- Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (thuế phải nộp)
- Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (chi tiết từng loại thuế)
3. Khi thu tiền hàng bán chịu của khách hàng
- Nợ các TK 111, 112, …: Số tiền đã thu nợ
- Có TK 131 – Phải thu của khách hàng: Ghi giảm phải thu của khách hàng
4. Trường hợp người mua thanh toán bằng vật tư, hàng hoá
Kế toán phản ánh trị giá thanh toán của số hàng nhận về bằng bút toán:
- Nợ các TK 151, 152, 153,156, …: Giá gốc vật tư nhận về (không bao gồm thuế GTGT đầu vào)
- Nợ TK 133 -Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
- Có TK 131 – Phải thu của khách hàng: Ghi giảm phải thu của khách hàng
Lưu ý: Trong trường hợp số hàng nhận về được dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh chịu thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp hoặc không chịu thuế GTGT, kế toán ghi:
- Nợ các TK 151, 152, 153,156: Giá gốc vật tư nhận về (bao gồm thuế GTGT đầu vào)
- Có TK 131 – Phải thu của khách hàng: Ghi giảm phải thu của khách hàng
5. Trường hợp khách hàng được hưởng chiết khấu thanh toán do thanh toán tiền hàng trước hạn
- Nợ TK 635: Số chiết khấu thanh toán đã chấp thuận cho khách hàng
- Có TK 111, 112: Xuất tiền trả cho người mua.
- Có TK 131: Trừ vào số tiền phải thu ở người mua
6. Đối với các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị người mua trả lại
* Phản ánh giá trị chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại:
Theo thông tư 200/2014/TT-BTC, ghi:
- Nợ TK 521 (5211, 5212, 5213): Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại
- Nợ TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước: Tương ứng với khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại
- Có các TK 111,112: Thanh toán cho khách hàng về số tiền chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả
- Có TK 131: Giảm trừ số tiền phải thu của người mua
Cuối kỳ kinh doanh, kế toán kết chuyển toàn bộ các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, doanh thu của hàng bán bị trả lại vào tổng doanh thu bán hàng trong kỳ, ghi:
- Nợ TK 511: Giảm doanh thu bán hàng (khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại)
- Có TK 521 (5211, 5212, 5213): Kết chuyển chiết khấu thương mại, hàng bị trả lại, giảm giá hàng bán
* Phản ánh trị giá vốn của hàng bán bị trả lại:
Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, ghi:
- Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
- Nợ TK 155 – Thành phẩm
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ, ghi:
- Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
Xem thêm:
>> Cách hạch toán hàng mua bán trả góp, trả chậm
>> Hạch toán lãi vay phải trả thế nào cho hiệu quả?