Người lao động có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức quyết toán thuế TNCN khi nào và không được khi nào? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời khi nào được ủy quyền và không ủy quyền quyết toán thuế TNCN. Điều này được hướng dẫn tại Điều 21 của thông tư 92/2015/TT-BTC (Sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC).
1. Người lao động được ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho tổ chức, cá nhận trả thu nhập
– Người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.
Ví dụ: Tháng 8/2019, chị Lan ký hợp đồng 1 năm với công ty Thiên Long, trong năm 2019 chị Lan không có thu nhập vãng lai từ nơi nào khác. Đến thời điểm quyết toán thuế TNCN năm 2019, chị Lan vẫn làm việc tại công ty Thiên Long.
Như vậy, chị Lan được ủy quyền cho công ty Thiên Long quyết toán thuế TNCN cho mình.
– Người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10% mà không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Ví dụ: Chị Lan ký hợp đồng lao động 1 năm với công ty Thiên Long, tháng 9/2019, chị Lan có phát sinh thu nhập vãng lai là 8 triệu đồng tại công ty Hồng Hà. Chị Lan đã khấu trừ thuế TNCN 10% tại công ty Hồng Hà. Đến thời điểm quyết toán thuế TNCN, chị Lan không có yêu cầu quyết toán thuế TNCN với phần thu nhập từ công ty Hồng Hà. Như vậy, chị Lan đủ điều kiện ủy quyền cho công ty Thiên Long quyết toán phần thu nhập nhận được từ Công ty Thiên Long.
– Người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trong trường hợp tổ chức cũ thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp. Cuối năm người lao động có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho người lao động.
Ví dụ: Tháng 9/2019, Công ty Thiên Long thực hiện việc sáp nhập với công ty Hồng Hà thành công ty Thiên Hà. Chị Lan là nhân viên của Công ty Thiên Long, sau khi sáp nhập, chị Lan được chuyển sang công ty Thiên Hà, trong năm chị Lan không có khoản thu nhập nào khác. Đến thời điểm quyết toán thuế TNCN, chị Hoa được ủy quyền cho công ty Thiên Hà quyết toán cả phần thu nhập chị nhận được từ công ty Thiên Long.
– Ngoài ra, khi người lao động có nhu cầu ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả lương thì phải lập giấy ủy quyền theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo thông tư 92/2015/TT-BTC.
2. Người lao động không được ủy quyền quyết toán thuế TNCN
– Người có thu nhập từ 3 tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập nhưng không làm ở đó tại thời điểm quyết toán thuế.
– Người có thu nhập từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế hoặc khấu trừ thuế chưa đủ (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ).
– Người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại nhiều nơi.
– Người chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% (kể cả trường hợp có thu nhập vãng lai duy nhất tại một nơi).
– Người chưa có mã số thuế.
– Người cư trú có thu nhập đồng thời thuộc diện xét giảm thuế thì không ủy quyền quyết toán thuế mà cá nhân tự khai quyết toán thuế kèm theo hồ sơ xét giảm thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 46 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu quy định về quyền ủy quyền quyết toán thuế TNCN đối với người lao động. Nếu bạn có thắc mắc gì thì hãy gửi câu hỏi về cho Ketoan.vn chúng tôi nhé. Hy vọng thông tin đã hữu ích cho bạn!
Xem thêm:
Phương pháp hạch toán kế toán thuế thu nhập hoãn lại phải trả