Kinh nghiệm Trước khi quyết toán thuế doanh nghiệp cần kiểm tra những gì?

Trước khi quyết toán thuế doanh nghiệp cần kiểm tra những gì?

1294

Kỳ quyết toán thuế năm đang đến gần khiến các doanh nghiệp gấp rút chuẩn bị để tiếp đón đoàn thanh tra. Trong công tác chuẩn bị ấy chắc chắn không thể thiếu bước kiểm tra, nhưng kiểm tra cái gì, kiểm tra như thế nào thì không phải kế toán nào cũng nắm rõ. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu xem những danh mục cần kiểm tra trước khi quyết toán thuế là gì nhé.

1. Kiểm tra lại hồ sơ khai thuế GTGT

Mỗi khi thực hiện thanh tra thuế, các cán bộ cơ quan thuế thường rất quan tâm đến việc khai thuế GTGT của các doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp nên kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ khai thuế GTGT trước khi tiếp đón đoàn thanh tra. Cụ thể như sau:

  • So sánh, kiểm tra giữa hóa đơn mua vào, bán ra và tờ khai thuế GTGT hàng tháng/quý.
  • Đối chiếu số thuế GTGT trên tờ khai thuế và số thuế GTGT phản ánh trên sổ kế toán.
  • Rà soát lại các chứng từ thanh toán liên quan đến hóa đơn mua vào cũng như bán ra.
  • Lọc những hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng về 1 file. Kiểm tra thời hạn thanh toán trên hợp đồng so với chứng từ thanh toán thực tế, đồng thời kiểm tra lại các hình thức thanh toán xem đã đủ điều kiện được khấu trừ thuế đầu vào hay chưa.

kiểm tra quyết toán thuế

2. Kiểm tra thuế thu nhập cá nhân

Chi phí tiền lương là vấn đề mà cơ quan thuế quan tâm thứ hai sau thuế GTGT, vì vậy doanh nghiệp cũng cần kiểm tra kỹ. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp có thể đánh giá lại chi phí tiền lương cũng như thuế TNCN của nhân viên xem đã phù hợp với quy định hay có sai sót nào khiến phải loại trừ chi phí hay truy thu thuế TNCN hay không. Việc kiểm tra cần được thực hiện như sau:

  • Rà soát lại hợp đồng lao động của từng cán bộ nhân viên
  • Rà soát lại phụ lục hợp đồng nếu có
  • Rà soát lại hồ sơ đăng ký người phụ thuộc của từng cán bộ nhân viên
  • Xem xét lại bảng lương kèm bảng chấm công từng tháng để đối chiếu mức lương cơ bản, phụ cấp, bảo hiểm với hợp đồng lao động. Kế toán cần kiểm tra lại quyết định tăng lương và phụ lục hợp đồng lao động nếu thấy có sự biến đổi tăng lương.
  • Tính toán lại thu nhập chịu thuế, giảm trừ gia cảnh, thu nhập không chịu thuế để xem có khớp với tờ khai thuế TNCN hàng quý (nếu có) và lên tờ khai quyết toasn thuế TNCN cuối năm.

3. Kiểm tra hợp đồng kinh tế, chứng từ liên quan đến hóa đơn mua vào, bán ra

Hợp đồng kinh tế và các chứng từ liên quan đến hóa đơn đầu vào, đầu ra cũng là những danh mục cần được kiểm tra khi đến kỳ quyết toán. Vì vậy, kế toán cần thực hiện cẩn thận các bước kiểm tra như sau:

a) Đối với chứng từ đầu ra

  • Liên quan đến kinh doanh thương mại: Trên cơ sở bảng kê hóa đơn bán ra, kế toán cần rà soát toàn bộ hợp đồng kinh tế, thanh lý hợp đồng, biên bản giao hàng, phiếu xuất kho… liên quan đến hóa đơn bán ra
  • Liên quan đến hoạt động xây dựng: Trên cơ sở bảng kê hóa đơn bán ra, kế toán cần rà soát lại toàn bộ hợp đồng kinh tế, dự toán công trình, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng… liên quan đến hóa đơn bán ra.

b) Đối với chứng từ đầu vào

  • Liên quan đến kinh doanh thương mại: Trên cơ sở bảng kê hóa đơn mua vào, kế toán cần rà soát lại toàn bộ hợp đồng kinh tế, thanh lý hợp đồng, biên bản nhận hàng, phiếu nhập kho… liên quan đến hóa đơn mua vào.
  • Liên quan đến hoạt động xây dựng: Trên cơ sở bảng kê hóa đơn mua vào, kế toán cần rà soát lại toàn bộ hợp đồng kinh tế, hợp đồng giao khoán, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng… liên quan đến hóa đơn mua vào.

kiểm tra quyết toán thuế

4. Kiểm tra lại các chi phí tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN

Chi phí được trừ khi tính thuế TNDN cũng là một yếu tố quan trọng mà cán bộ thuế không thể bỏ qua khi thanh tra. Vì vậy cần phải kiểm tra kỹ chi phí này trước khi quyết toán với cơ quan thuế. Cụ thể như sau:

  • Kiểm tra lại bảng tính giá thành có phù hợp với định mức tính giá thành hay không (đối với doanh nghiệp sản xuất)
  • Kiểm tra bảng kê xác định giá vốn (đối với doanh nghiệp thương mại)
  • Kiểm tra xem chi phí lãi vay vốn đã hợp lý chưa: vốn điều lệ đã góp đủ hay chưa, lãi suất tiền vay có đúng với quy định không hay các chứng từ liên quan đã phù hợp và đúng quy định chưa.
  • Kiểm tra chi phí chênh lệch tỷ giá (nếu có): nguồn chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí đến từ đâu hay tỷ giá áp dụng có phù hợp không…
  • Kiểm tra chi phí về tiền lương, tiền công, phụ cấp… có đảm bảo được trừ khi tính thuế TNDN không, các chứng từ thanh toán có áp dụng đúng theo chế độ không…
  • Kiểm tra chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí khác… đã đúng quy định về thuế hay chưa
  • Kiểm tra chi phí bị khống chế chi đã hợp lý và đúng với quy định hay chưa
  • Rà soát lại số dư của các tài khoản như TK 131, 331,152,156 để xem số dư có điều gì bất thường cần điều chỉnh hay không

5. Chuẩn bị hồ sơ trước khi quyết toán thuế

Để quá trình quyết toán thuế được diễn ra suôn sẻ thì kế toán cần chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ cần thiết sau:

  • Giấy phép kinh doanh, các lần thay đổi bản gốc và bản phô tô.
  • Quy chế tài chính của Doanh nghiệp.
  • Điều lệ của công ty.
  • Bản photo tờ khai thuế 12 tháng của các năm quyết toán.
  • Tập hợp sổ sách các năm: Sổ cái các tài khoản; Bảng tổng hợp nhập xuất tồn; Bảng tổng hợp công nợ; Bảnh tính giá thành… bằng file cứng (bản giấy) lẫn file mềm excel.
  • Bản photo kết luận thanh tra, kiểm tra của những lần quyết toán thuế trước đó (nếu có)…

6. Sửa chữa sai sót

Cho dù công tác chuẩn bị có tốt đến đâu thì chắc chắn vẫn sẽ tồn tại ít nhiều sai sót khi quyết toán thuế. Vì vậy doanh nghiệp cần nghiêm túc sửa chữa những lỗi sai, khuyết điểm hay những hạn chế của mình, tìm phương án tối ưu nhất để sửa chữa và khắc phục hậu quả.

Xem thêm:

>> 7 nguyên tắc quyết toán thuế phải lưu ý cuối năm 2019

>> Mẹo kiểm tra báo cáo tài chính trước khi quyết toán thuế kế toán cần biết