Bị sa thải là điều không người lao động nào mong muốn. Khi đó người thất nghiệp có được hưởng chế độ hay trợ cấp nào không? Câu trả lời là có. Nhưng cần đáp ứng tiêu chuẩn, quy định của pháp luật. Chắc hẳn đây cũng là thắc mắc của khá nhiều người. Theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về trợ cấp người lao động sau khi bị sa thải nhé.
1. Căn cứ pháp lý
Bất cứ quy định nào cũng cần có căn cứ pháp lý thì mới có giá trị. Quy định về trợ cấp cho người bị sa thải được quy định tại:
- Luật Việc làm 2013
- Bộ luật Lao động 2012
Theo 2 luật này thì sau khi hợp đồng lao động chấm dứt, người lao động có thể được hưởng 3 loại trợ cấp:
- Trợ cấp mất việc làm
- Trợ cấp thôi việc
- Trợ cấp thất nghiệp
Trợ cấp thất nghiệp là chế độ người lao động được nhận sau khi đóng Bảo hiểm Thất nghiệp và sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả.
Còn trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc là loại trợ cấp do người sử dụng lao động chi trả cho người lao động, coi như phần bồi thường hợp đồng sau khi chấm dứt hợp đồng.
Còn việc bị sa thải dẫn đến chấm dứt hợp đồng có được hưởng 3 loại trợ cấp trên hay không thì hãy cùng tìm hiểu sau đây.
2. Trợ cấp thôi việc
Khoản 1, Điều 48 của Bộ luật Lao động 2012 quy định, khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Cụ thể các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được nhận trợ cấp là:
- Đã hoàn thành công việc theo ký kết trong hợp đồng lao động.
- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp NLĐ là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.
- NLĐ bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
- NLĐ chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
- Người sử dụng lao động là cá nhân đã chết hoặc bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
- NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động 2012.
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động 2012; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp.
=> Như vậy, việc bị sa thải dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng lao động không nằm trong những trường hợp được quy định hưởng trợ cấp thôi việc nêu trên.
Do đó, người lao động bị sa thải và chấm dứt hợp đồng lao động thì không nhận được khoản trợ cấp thôi việc nào từ người sử dụng lao động.
2. Trợ cấp mất việc làm
Khoản 1, Điều 44 và Khoản 3, Điều 45 của Bộ luật Lao động 2012 có nói rằng:
- Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, nếu người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
- Trường hợp người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc vì sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
=> Như vậy, trường hợp người lao động bị sa thải không thuộc 2 trường hợp được hưởng trợ cấp mất việc làm nêu trên nên sẽ không nhận được khoản trợ cấp này sau khi nghỉ việc.
3. Trợ cấp thất nghiệp
Theo Điều 49 của Luật Việc làm 2013 quy định, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong những trường hợp sau:
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Chết.
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
Như vậy, chúng ta đã rõ những khoản trợ cấp người lao động sau khi bị sa thải được nhận và không được nhận.
Việc bị sa thải là điều không ai mong muốn nhưng nếu bạn đang rơi vào tình huống này thì vẫn sẽ được hưởng những khoản liên quan đến quyền lợi của mình như tiền lương tháng, lương làm thêm giờ… Chúc các bạn may mắn!
Xem thêm: