Kế hoạch và Báo cáo Báo cáo tài chính Cách tổ chức và trình bày các loại báo cáo kế toán...

Cách tổ chức và trình bày các loại báo cáo kế toán hiện hành

8212

Báo cáo kế toán cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp. Cách tổ chức và trình bày các loại báo cáo này sẽ giúp người sử dụng đưa ra các quyết định kinh tế chính xác. 

Chính vì phạm vi cung cấp và phục vụ các thông tin khác nhau, nên căn cứ vào tính pháp lý của thì báo cáo kế toán được chia thành hai loại: báo cáo kế toán tài chính và báo cáo kế toán quản trị.

Cách tổ chức và trình bày các loại báo cáo kế toán hiện hành

1. Báo cáo kế toán quản trị

Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán.

Kế toán quản trị không chỉ thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin về nghiệp vụ kinh tế đã xảy ra mà còn xử lý và cung cấp thông tin phục vụ cho việc ra quyết định quản trị.

Các thông tin này phải phù hợp với yêu cầu của nhà quản trị, dễ hiểu và cụ thể phục vụ cho công tác quản trị doanh nghiệp.

Kế toán quản trị chỉ cung cấp thông tin về hoạt động kinh tế tài chính trong phạm vi yêu cầu quản lý nội bộ của một doanh nghiệp, không có ý nghĩa đối với các đối tượng bên ngoài.

Kế toán quản trị là một bộ phận của công tác kế toán nói chung và là công cụ quan trọng không thể thiếu đối với công tác quản lý nội bộ doanh nghiệp.

Kế toán quản trị không có tính bắt buộc, các doanh nghiệp được toàn quyền quyết định và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và khả năng quản lý của doanh nghiệp.

Do vậy nội dung, hình thức trình bày, kỳ báo cáo được quy định tùy theo yêu cầu quản trị trong từng doanh nghiệp cụ thể. Chế độ quy định về loại báo cáo này chỉ mang tính chất hướng dẫn.

Các báo cáo quản trị cơ bản:

  • Báo cáo doanh thu
  • Báo cáo phải thu
  • Kế hoạch sản lượng
  • Cân đối dòng tiền
  • Cân đối tồn kho
  • Báo cáo phải trả
  • Dự báo dòng tiền
  • Phân tích tài chính
  • Phân tích vốn chủ sở hữu
  • Kế hoạch trả nợ vay…

2. Báo cáo kế toán tài chính

Các loại báo cáo kế toán tài chính phản ánh theo một cấu trúc chặt chẽ tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp.

Mục đích của báo cáo tài chính là cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu hữu ích cho số đông những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Để đạt mục đích này báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:

  • Tài sản;
  • Nợ phải trả;
  • Vốn chủ sở hữu;
  • Doanh thu, thu nhập khác, chi phí, lãi và lỗ;
  • Các luồng tiền.

Các thông tin này cùng với các thông tin trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính giúp người sử dụng dự đoán được các luồng tiền trong tương lai và đặc biệt là thời điểm và mức độ chắc chắn của việc tạo ra các luồng tiền và các khoản tương đương tiền.

Hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp gồm:

  • Bảng cân đối kế toán;
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
  • Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Yêu cầu lập và trình bày báo cáo tài chính

– Báo cáo tài chính phải trình bày một cách trung thực và hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp. Để đảm bảo yêu cầu trung thực và hợp lý, các báo cáo tài chính phải được lập và trình bày trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định có liên quan hiện hành.

– Doanh nghiệp cần nêu rõ trong phần thuyết minh báo cáo tài chính là báo cáo tài chính được lập và trình bày phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam. Báo cáo tài chính được coi là lập và trình bày phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam nếu báo cáo tài chính tuân thủ mọi quy định của từng chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán Việt Nam của Bộ Tài chính.

– Trường hợp doanh nghiệp sử dụng chính sách kế toán khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam, không được coi là tuân thủ chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành dù đã thuyết minh đầy đủ trong chính sách kế toán cũng như trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.

Trong báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải trình bày các thông tin sau đây:

  • Tên và địa chỉ của doanh nghiệp báo cáo;
  • Nêu rõ báo cáo tài chính này là báo cáo tài chính riêng của doanh nghiệp hay báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn;
  • Kỳ báo cáo;
  • Ngày lập báo cáo tài chính;
  • Đơn vị tiền tệ dùng để lập báo cáo tài chính.

3. Bảng cân đối kế toán phải bao gồm các khoản mục chủ yếu sau đây :

  • Tiền và các khoản tương đương tiền;
  • Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn;
  • Các khoản phải thu thương mại và phải thu khác;
  • Hàng tồn kho;
  • Tài sản ngắn hạn khác;
  • Tài sản cố định hữu hình;
  • Tài sản cố định vô hình;
  • Các khoản đầu tư tài chính dài hạn;
  • Chi phí xây dựng cơ bản dở dang;
  • Tài sản dài hạn khác;
  • Vay ngắn hạn;
  • Các khoản phải trả thương mại và phải trả ngắn hạn khác;
  • Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước;
  • Các khoản vay dài hạn và nợ phải trả dài hạn khác;
  • Các khoản dự phòng;
  • Phần sở hữu của cổ đông thiểu số;
  • Vốn góp;
  • Các khoản dự trữ;
  • Lợi nhuận chưa phân phối.

Các khoản mục bổ sung, các tiêu đề và số cộng chi tiết cần phải được trình bày trong Bảng cân đối kế toán khi một chuẩn mực kế toán khác yêu cầu hoặc khi việc trình bày đó là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phản ánh trung thực và hợp lý về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

4. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phải bao gồm các khoản mục chủ yếu sau đây:

  • Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ;
  • Các khoản giảm trừ;
  • Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ;
  • Giá vốn hàng bán;
  • Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ;
  • Doanh thu hoạt động tài chính;
  • Chi phí tài chính;
  • Chi phí bán hàng;
  • Chi phí quản lý doanh nghiệp;
  • Thu nhập khác;
  • Chi phí khác;
  • Phần sở hữu trong lãi hoặc lỗ của công ty liên kết và liên doanh được kế toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu (Trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất);
  • Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh;
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Lợi nhuận sau thuế;
  • Phần sở hữu của cổ đông thiểu số trong lãi hoặc lỗ sau thuế (Trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất);
  • Lợi nhuận thuần trong kỳ

Các khoản mục bổ sung, các tiêu đề và số cộng chi tiết cần phải được trình bày trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi một chuẩn mực kế toán khác yêu cầu hoặc khi việc trình bày đó là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phản ánh trung thực và hợp lý tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

– Doanh nghiệp phải trình bày các luồng tiền trong kỳ trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo 3 loại hoạt động: hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

– Doanh nghiệp được trình bày các luồng tiền từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính theo cách thức phù hợp nhất với đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc phân loại và báo cáo luồng tiền theo các hoạt động sẽ cung cấp thông tin cho người sử dụng đánh giá được ảnh hưởng của các hoạt động đó đối với tình hình tài chính và đối với lượng tiền và các khoản tương đương tiền tạo ra trong kỳ của doanh nghiệp. Thông tin này cũng được dùng để đánh giá các mối quan hệ giữa các hoạt động nêu trên.

– Một giao dịch đơn lẻ có thể liên quan đến các luồng tiền ở nhiều loại hoạt động khác nhau. Ví dụ, thanh toán một khoản nợ vay bao gồm cả nợ gốc và lãi, trong đó lãi thuộc hoạt động kinh doanh và nợ gốc thuộc hoạt động tài chính.

6. Bản thuyết minh báo cáo tài chính của một doanh nghiệp cần phải:

– Đưa ra các thông tin về cơ sở dùng để lập báo cáo tài chính và các chính sách kế toán cụ thể được chọn và áp dụng đối với các giao dịch và các sự kiện quan trọng;
– Trình bày các thông tin theo quy định của các chuẩn mực kế toán mà chưa được trình bày trong các báo cáo tài chính khác;
– Cung cấp thông tin bổ sung chưa được trình bày trong các loại báo cáo kế toán khác, nhưng lại cần thiết cho việc trình bày trung thực và hợp lý.

Bản thuyết minh báo cáo tài chính phải được trình bày một cách có hệ thống. Mỗi khoản mục trong Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần được đánh dấu dẫn tới các thông tin liên quan trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Trên đây là bài viết về cách tổ chức và trình bày các loại báo cáo kế toán. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích các bạn trong quá trình làm báo cáo kế toán. Chúc các bạn thành công!

Phần mềm kế toán MISA SME.NET giúp việc lập báo cáo tài chính trở nên dễ dàng với việc: Tự động hóa việc lập BCTC giúp tiết kiệm thời gian, báo cáo kịp thời ; tự động phát hiện các sai lệch trên chứng từ, sổ sách, báo cáo và hướng dẫn cách thức xử lý

Để tìm hiểu thêm về nghiệp vụ BCTC, tổng hợp trên phần mềm kế toán MISA SME.NET, kế toán vui lòng click xem Tại đây

Xem thêm:

Cách làm báo cáo tài chính hợp nhất trong doanh nghiệp
Những sai sót thường gặp khi doanh nghiệp thực hiện báo cáo tài chính
Những điều cần biết khi làm báo cáo tài chính và quyết toán thuế năm 2019