Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang đến gần, điều người lao động quan tâm nhất lúc này là tiền thưởng Tết. Theo luật quy định, doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng tiền Tết cho NLĐ? Nếu có thì tiền thưởng Tết có phải là thu nhập chịu thuế không? Tiền thưởng Tết có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không? Và còn những lưu ý nào mà doanh nghiệp và người lao động cần biết? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
1. Doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng Tết?
Ông bà ta vẫn có câu “10 đồng tiền công không bằng 1 đồng tiền thưởng”. Câu này không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần, tiền thưởng rất quý giá, nó thể hiện thái độ tích cực của người làm trong công việc. Mặt khác cũng có thể hiểu rằng tiền thưởng có giá trị có thể gấp đôi, gấp ba tiền lương bình thường.
Chính vì vậy, mỗi khi Tết đến, điều người lao động quan tâm nhất chính là tiền thưởng. Đây dường như đã trở thành văn hóa của các doanh nghiệp, cơ quan tại Việt Nam.
Nhưng thực tế, theo Luật Lao động 2012 hiện hành, không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, tiền thưởng là “khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động”.
Như vậy, doanh nghiệp có thể không cần thưởng Tết cho người lao động nếu hoạt động kinh doanh trong năm không thu được nhiều lợi nhuận. Nếu có thì quy chế thưởng phải do người lao động quyết định và công khai tại nơi làm việc.
Ngoài ra, theo Bộ Luật Lao động 2019 mới, thưởng Tết được thay cho “tiền thưởng Tết”, có nghĩa NLĐ có thể sẽ không nhận thưởng Tết bằng tiền mặt mà bằng hiện vật hoặc hình thức khác (voucher, chuyến du lịch,…). Quy định sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021 nên Tết năm nay NLĐ vẫn có thể nhận được tiền thưởng Tết.
2. Các khoản thuế liên quan đến tiền thưởng Tết
- Thuế thu nhập cá nhân
Tiền thưởng Tết 2020 của NLĐ là khoản tiền phải tính thuế thu nhập cá nhân. Điều này được quy định rõ tại Khoản 2, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC: “Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền” là khoản thu nhập chịu thuế.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp, khoản tiền thưởng cho người lao động sẽ được tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng điều kiện sau:
Theo Khoản 2, Điều 3 của Thông tư 25/2018/TT-BTC: Khoản tiền thưởng này phải được quy định cụ thể trong Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
=> Tóm lại, NLĐ sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân với khoản tiền thưởng Tết được nhận tại thời điểm doanh nghiệp trả lương thưởng.
Nhưng rất có thể quy định này sẽ không còn vào năm 2021 vì doanh nghiệp có thể sẽ không thưởng bằng tiền mặt mà bằng hiện vật, các hình thức khác…
3. Tiền thưởng Tết có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?
Căn cứ Khoản 3, Điều 30 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH có nói rằng: “Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động; tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết;…”.
Như vậy, tiền thưởng của người lao động (gồm thưởng Tết, thưởng làm việc tốt,…) sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hiện tại đến hết năm 2020, Luật Lao động 2012 vẫn sẽ có hiệu lực, người lao động vẫn có thể nhận được tiền thưởng Tết nên doanh nghiệp và NLĐ cần lưu ý những thông tin trên. Từ năm 2021, doanh nghiệp có thể thưởng tiền hoặc hình thức khác cho NLĐ nên những quy định trên cũng có thể thay đổi. Chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật sớm nhất đến các bạn nếu có.
Xem thêm:
Quy định về thời điểm xác định thuế GTGT
Chi phí môi giới hoa hồng có được tính vào chi phí được trừ?
Hướng dẫn tính thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng