Kinh nghiệm Giải đáp 8 thắc mắc thường gặp trong giao dịch thuế điện...

Giải đáp 8 thắc mắc thường gặp trong giao dịch thuế điện tử

462

Giao dịch trong lĩnh vực thuế hiện nay tiện lợi hơn nhiều nhờ có cổng thông tin điện tử. Đây là thay đổi tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Các thủ tục hành chính khi giao dịch thuế trở nên đơn giản, nhanh gọn và hiệu quả cao. Mặc dù đã có nhiều cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch thuế điện tử xong vẫn còn một số thắc mắc. Bài viết sau sẽ giải đáp những câu hỏi đó.

Kết quả hình ảnh cho giao dịch thuế điện tử

1. Tài khoản giao dịch thuế điện tử là gì?

Theo Khoản 1, Điều 1, Thông tư 66/2019/TT-BTC, ta hiểu về tài khoản giao dịch thuế điện tử như sau:

“Tài khoản giao dịch thuế điện tử là tên và mật khẩu đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế được cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế để thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế và tra cứu các chứng từ điện tử.”

Tài khoản giao dịch thuế điện tử bao gồm:

  • 1 tài khoản chính: được cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế sau khi người nộp thuế đăng ký giao dịch với cơ quan thuế theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.
  • Tối đa không quá 10 tài khoản phụ: do người nộp thuế đăng ký thông qua tài khoản chính để phân quyền thực hiện theo từng dịch vụ.

2. Thời điểm xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử?

Thời điểm xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử là căn cứ để cơ quan Thuế xác định hạn nộp thuế và xử lý vi phạm nếu người nộp thuế quá thời hạn. Theo Khoản 4, Điều 1, Thông tư 66/2019/TT-BTC chỉ dẫn về thời điểm xác nhận nộp hồ sơ thuế qua cổng thông tin điện tử như sau:

  • Đối với hồ sơ đăng ký thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử.
  • Đối với hồ sơ khai thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử.
  • Đối với chứng từ nộp thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận chứng từ nộp thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử.
  • Đối với hồ sơ hoàn thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo chấp nhận hồ sơ hoàn thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử.

Hình ảnh có liên quan

3. Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử khi giao dịch thuế điện tử

Về giá trị pháp lý: Chứng từ điện tử có giá trị như hồ sơ, chứng từ, thông báo và các văn bản bằng giấy.

Với chứng từ điện tử bản gốc nếu được thực hiện bằng một trong các biện pháp quy định tại Điều 5 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Chứng từ điện tử có thể chuyển đổi sang chứng từ giấy và ngược lại.

4. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế bị lỗi trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ thì giải quyết thế nào?

Nếu cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế bị lỗi trong ngày hạn cuối cùng nộp hồ sơ thì người nộp thuế sẽ nộp hồ sơ vào ngày kế tiếp liền kề khi cổng thông tin đã hoạt động trở lại. Nộp hồ sơ, chứng từ vào ngày này vẫn được coi là đúng hạn.

Cách khác là người nộp thuế sẽ nộp hồ sơ, chứng từ bản giấy trực tiếp tại cơ quan thuế, qua đường bưu chính, nộp thuế trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng; cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thực hiện tiếp nhận và giải quyết cho người nộp thuế theo quy định.

5. Thế nào là hồ sơ đăng ký thuế điện tử không còn hiệu lực

Sau thời hạn trả kết quả đăng ký thuế 30 ngày kể từ ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận hồ sơ mà người nộp thuế không đến cơ quan thuế hoặc có đến nhưng không có văn bản nêu rõ lý do thì hồ sơ đăng ký thuế điện tử sẽ tính là không còn hiệu lực.

Kết quả hình ảnh cho giao dịch thuế điện tử

6. Ngày nộp thuế điện tử xác định thế nào?

Ngày nộp thuế điện tử được xác định là ngày mà kho bạc nhà nước, hệ thống thanh toán của ngân hàng trích một khoản tiền từ tài khoản của người nộp thuế hoặc người nộp thay. Ngày này được ghi nhận trên chứng từ nộp thuế điện tử theo quy định Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 84/2016/TT-BTC.

Sau khi người nộp thuế hoàn tất thủ tục nộp thuế điện tử, cơ quan thuế hay tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN nếu nhận được thông báo từ ngân hàng xác nhận thanh toán thành công hay không thành công thì cũng phải gửi Thông báo xác nhận việc nộp thuế đến cho người nộp thuế, chậm nhất sau 15 phút.

7. Hồ sơ đăng ký thuế bản giấy không khớp với hồ sơ đăng ký thuế điện tử?

Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế bản giấy và bản điện tử không trùng khớp về thông tin và thông tin trên bản giấy đầy đủ thì cơ quan thuế thực hiện thủ tục theo thông tin trên bản giấy. Sau đó Cơ quan thuế thông báo xác nhận về cho người nộp để tạo điều kiện cho người nộp không phải nộp lại bản điện tử.

8. Hồ sơ thuế điện tử đã gửi có sai sót xử lý thế nào?

Mỗi đối tượng nộp thuế điện tử đều sẽ được đăng ký một tài khoản trên cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế. Khi có sai sót về hồ sơ nộp thuế thì người nộp thuế có thể sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử để truy cập vào cổng thông tin Thuế điện tử, vào Thư tra soát, ký điện tử và gửi cơ quan Thuế.

Sau đó Cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin theo Thư tra soát và gửi thông báo xác nhận điều chỉnh thông tin cho người nộp thuế.

Để xem đầy đủ thông tin hơn, bạn có thể tham khảo Thông tư 66/2019/TT-BTC.

Trên đây là những thông tin chúng tôi tóm tắt lại và giải đáp những thắc mắc của các bạn về giao dịch thuế điện tử. Hy vọng thông tin hữu ích với các bạn.

Xem thêm:

Quy định về thời điểm xác định thuế GTGT

Những khoản chi phí cần đặc biệt lưu ý khi quyết toán thuế

Có cần kê khai thuế nếu doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu?