Chế độ kế toán nói chung là chuẩn mực, quy định, hướng dẫn về kế toán trong một số công việc cụ thể do cơ quan, tổ chức về kế toán quy định. Áp dụng chế độ kế toán là nhiệm vụ của mỗi doanh nghiệp. Nhưng có vẻ nhiều đơn vị vẫn gặp khó khăn và còn nhiều thắc mắc về vấn đề này. Bài viết sau sẽ giải đáp 4 câu hỏi doanh nghiêp thường gặp khi áp dụng chế độ kế toán.
1. Doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200 hay Thông tư 133
Câu hỏi này được hầu hết doanh nghiệp đặt ra, nhất là khi mới được thành lập. Xin được giải đáp như sau:
- Thông tư 133/2016/TT-BTC: Doanh nghiệp vừa và nhỏ (kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật đều có thể áp dụng Thông tư 133/2016/TT-BTC. Trừ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, công ty đại chúng.
- Thông tư 200/2014/TT-BTC: Theo Điều 1 tại Thông tư này, các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế đều áp dụng chế độ kế toán theo thông tư này.
Ngoài ra, với doanh nghiệp siêu nhỏ, bạn có thể theo chế độ kế toán được quy định cụ thể tại Thông tư 132/2018/TT-BTC. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/02/2019. Đồng thời doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có thể sử dụng chế độ kế toán theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC. Miễn sao phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp bạn.
2. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200 không?
Như đã thông tin ở trên, chế độ kế toán theo Thông tư 200 được quy định với mọi doanh nghiệp. Điều này căn cứ theo quy định tại:
- Điều 1, Thông tư 200/2014/TT-BTC:
“Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư này để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.”
- Điều 3, Thông tư 133/2016/TT-BTC:
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lựa chọn áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2015 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính. Trường hợp chuyển đổi trở lại áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư này thì phải thực hiện từ đầu năm tài chính và phải thông báo lại cho cơ quan Thuế.”
Như vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể theo chế độ kế toán Thông tư 200/2014/TT-BTC hay Thông tư 133/2016/TT-BTC cũng được. Miễn sao chế độ được áp dụng phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu quản lý của doanh nghiệp. Lưu ý, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế và thực hiện nhất quán trong năm tài chính.
3. Có phải thông báo cho cơ quan thuế khi thay đổi chế độ kế toán?
Khi doanh nghiệp muốn thay đổi chế độ kế toán thì cần phải thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, chỉ chuyển từ chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC sang Thông tư 133/2016/TT-BTC hoặc ngược lại, doanh nghiệp phải có công văn gửi cho cơ quan thuế thông báo về việc thay đổi. Việc thay đổi này phải được thực hiện nhất quán trong năm tài chính.
4. Có được thay đổi chế độ kế toán khi thay đổi quy mô doanh nghiệp?
Vận động phát triển là quy luật tất yếu của mọi sự vật hiện tượng. Doanh nghiệp mở rộng quy mô từ siêu nhỏ sang vừa và nhỏ hoặc vừa và nhỏ sang lớn hơn là tất yếu. Khi đó chế độ kế toán của doanh nghiệp có thay đổi?
Cụ thể, khi doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tức là doanh nghiệp đã không còn thuộc đối tượng áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC. Khi đó, doanh nghiệp sẽ được áp dụng Thông tư 133/2016/TT-BTC cho đến hết năm tài chính đó. Từ năm tài chính tiếp theo, doanh nghiệp sẽ theo chế độ kế toán Thông tư 200/2014/TT-BTC.
Xem thêm:
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giảm mạnh năm 2020
Có cần kê khai thuế nếu doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu?