Tài khoản kế toán lưỡng tính là một thuật ngữ quen thuộc với dân kế toán. Nhưng với sinh viên hay những người mới làm kế toán thì thuật ngữ này còn khá lạ lẫm. Tài khoản lưỡng tính là gì? Bao gồm những tài khoản nào? Hãy cùng tìm hiểu tại bài viết dưới đây.
Tài khoản kế toán lưỡng tính là gì?
Tài khoản kế toán là phương tiện để kế toán phản ánh tình hình hiện có và sự vận động của các đối tượng kế toán. Các tài khoản kế toán thông thường chỉ có số dư bên Nợ hoặc bên Có hoặc không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản kế toán lưỡng tính là những tài khoản có thể có số dư cuối kỳ bên Nợ nhưng cũng có thể có số dư cuối kỳ bên Có.
Các tài khoản kế toán lưỡng tính
Tài khoản 131 – Phải thu khách hàng
Tài khoản 131 là tài khoản tài sản. Thông thường loại tài khoản tài sản chỉ có số dư bên Nợ. Tuy nhiên TK 131 có cả số dư bên Nợ và bên Có.
– Số dư bên Nợ TK 131 phản ánh số tiền mà công ty đã bán hàng nhưng chưa thu tiền.
– Số dư bên Có phản ánh số tiền khách hành ứng trước cho công ty hoặc khách hàng trả thừa. Tức là công ty chưa giao hàng cho khách hàng nhưng đã nhận tiền của khách hàng.
Ví dụ TK 131 có số dư bên Có:
Ngày 1/1/2020, công ty B đặt trước tiền mua máy in của công ty A. Số tiền ứng trước là 50 triệu đồng bằng TGNH (đã có báo có của ngân hàng).
Công ty A hạch toán như sau:
Nợ TK 112: 100
Có TK 131 (Cty A): 100
Tài khoản 138 – Phải thu khác
Tương tự như Tài khoản 131, đây là loại tài khoản tài sản.
– Số dư bên Nợ TK 138 thể hiện các khoản phải thu khác mà công ty chưa thu được.
– Số dư bên Có TK 138 thể hiện số tiền thu thừa của đối tượng đang chờ xử lý và có nghĩa vụ trả lại cho đối tượng trả dư.
Tài khoản 331 – Phải trả người bán
Tài khoản 331 là tài khoản nguồn vốn. Các tài khoản nguồn vốn thường chỉ có số dư bên Có. Tuy nhiên TK 331 có cả số dư bên Có và số dư bên Nợ.
– Số dư bên Có TK 331 thể hiện số tiền công ty mua hàng nhưng chưa thanh toán cho người bán.
– Số dư bên Nợ TK 331 thể hiện số tiền công ty đã trả cho người bán nhưng chưa nhận hàng. Hoặc công ty trả tiền thừa cho nhà cung cấp.
Tài khoản 334 – Phải trả người lao động
Tương tự tài khoản 331, tài khoản 334 thuộc tài khoản nguồn vốn.
– Số dư bên Có TK 334 thể hiện các khoản tiền lương, tiền thưởng có tính chất lương và các khoản khác phải trả cho người lao động.
– Số dư bên Nợ TK 334 thể hiện số tiền trả nhầm lương cho nhân viên A sang nhân viên B qua tài khoản ngân hàng nhưng tổng sổ tiền không thay đổi.
Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước
Đây là loại tài sản nguồn vốn tuy nhiên có cả số dư bên Có và bên Nợ.
– Số dư bên Có TK 333 phản ánh số thuế, phí, lệ phí và các khoản phải trả phải nộp nhà nước.
– Số dư bên Nợ TK 333 phản ánh số thuế, các khoản đã nộp lớn hơn số thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước.
Tài khoản 338 – Phải trả khác
Tài khoản 338 cũng là tài sản nguồn vốn nhưng có cả số dư bên Nợ.
– Số dư bên Có TK 338 phản ánh các khoản phải trả khác. Bao gồm các khoản phải trả về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn,…
– Số dư bên Nợ TK 338 phản ánh giá trị hàng hóa phát hiện thừa khi kiểm kê.
Tài khoản 421 – Lợi nhuận chưa phân phối
– Số dư bên Nợ TK 421 phán ánh số lỗ từ hoạt động kinh doanh chưa xử lý.
– Số dư bên Có TK 421 phán ánh lợi nhuận chưa phân phối hoặc chưa sử dụng.
Trên đây là các tài khoản kế toán lưỡng tính trong kế toán. Nắm vững các tài khoản này giúp bạn hạch toán đúng và không vi phạm các nguyên tắc lập báo cáo tài chính. Chúc các bạn thành công.
Xem thêm:
Thủ tục giải thể doanh nghiệp mới nhất
Thủ tục đưa hàng hóa quá hạn sử dụng, hư hỏng vào chi phí hợp lý
Kế toán hành chính sự nghiệp là gì? Nội dung của kế toán hành chính sự nghiệp?
Hướng dẫn hạch toán tài khoản 821 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp