Báo cáo tài chính là một khái niệm quen thuộc với những ai định hướng làm về kế toán và cũng là một tài liệu quan trọng trong doanh nghiệp. Vì vậy, việc nắm rõ về báo cáo tài chính như nội dung, cách lập báo cáo, hay thời hạn nộp báo cáo là vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ giúp bạn những nội dung đó.
1. Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính là tập hợp những thông tin kinh tế ở dạng bảng biểu, số liệu được nhân viên kế toán thực hiện nhằm giúp người quản lý doanh nghiệp nắm rõ về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp.
2. Ý nghĩa của báo cáo tài chính
Phản ánh một cách tổng hợp nhất, kĩ càng nhất về tình hình tài sản, các khoản nợ, nguồn hình thành tài sản, tình hình tài chính và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Cung cấp những thông tin chi tiết nhất về tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh đã qua. Vì vậy, báo cáo tài chính là cơ sở để việc kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn, cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp được diễn ra dễ dàng hơn.
Là tài liệu quan trọng để chủ doanh nghiệp có những phân tích, nghiên cứu, từ đó có những chiến lược, định hướng kinh doanh đúng đắn trong giai đoạn tiếp theo và nâng cao hiệu quả cho công tác quản trị doanh nghiệp.
Vì những ý nghĩa to lớn đó, báo cáo tài chính luôn là tài liệu được quan tâm sâu sắc từ hội đồng quản trị doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các nhà quản lý cấp cao và toàn bộ nhân viên của doanh nghiệp.
3. Nội dung bắt buộc trong báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính phải cung cấp được những thông tin cụ thể về:
- Tài sản
- Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu
- Doanh thu, thu nhập khác, chi phí kinh doanh và chi phí khác
- Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh
- Thuế và các khoản phải nộp nhà nước
- Các tài sản khác có liên quan đến đơn vị
- Các luồng tiền ra, vào luân chuyển như thế nào trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải cung cấp chi tiết các thông tin cần thiết trong bản ‘’Thuyết minh báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các báo cáo tài chính tổng hợp, các chính sách kế toán áp dụng, để ghi nhân các nghiệp vụ kinh thế phát sinh như:
- Chế độ kế toán
- Nguyên tắc ghi nhận
- Phương pháp tính giá, hạch toán hàng tồn kho
- Phương pháp trích khấu hao tài sản cố định
Bộ báo cáo tài chính sẽ bao gồm:
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Bảng cân đối tài khoản
- Kèm theo đó là phụ lục bao gồm: Thuyết mình báo cáo tài chính và Tình hình thực hiện nghĩa vụ với nhà nước
4. Kỳ hạn lập báo cáo tài chính
Có 3 kỳ hạn cần chú ý như sau:
Kỳ lập báo cáo tài chính năm
Kỳ kế toán năm là năm dương lịch hoặc 12 tháng tròn sau khi thông báo cho cơ quan thuế.
Chú ý, doanh nghiệp có thể thay đổi ngày kết thúc kỳ kế toán năm, miễn sao tổng thời gian không vượt qua 15 tháng.
Kỳ lập báo cáo tài chính giữa niên độ
Đây là lập báo cáo tài chính vào thời điểm mỗi quý của năm tài chính (không bao gồm quý IV).
Kỳ lập báo cáo tài chính khác
Các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác như tuần, tháng, 6 tháng…theo yêu cầu của pháp luật hay chủ doanh nghiệp.
Chú ý, nếu doanh nghiệp bị chia, tách, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản phải lập báo cáo tài chính tại thời điểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản.
5. Thời hạn nộp báo cáo
Muộn nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày năm dương lịch hoặc năm tài chính kết thúc.
Ví dụ, thời hạn nộp báo cáo tài chính năm 2018 muộn nhất sẽ là ngày 31/03/2019.
6. Cách lập báo cáo tài chính
Để lập một báo cáo tài chính hoàn chỉnh, chính xác, dễ hiểu, người lập báo cáo tài chính có thể thực hiện theo 6 bước dưới đây:
Bước 1: Sắp xếp chứng từ kế toán
Các chứng từ kế toán cần phải được sắp xếp cẩn thận, chi tiết theo trình tự thời gian, từ đó việc lưu trữ, kiểm tra sẽ trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn.
Bước 2: Hạch toán chi tiết nghiệp vụ kinh tế phát sinh
Dựa trên những chứng từ kế toán đã được sắp xếp cẩn thận, nhân viên kế toán sẽ ghi chép vào sổ các nghiệp vụ phát sinh như: Nhập phiếu nhập, phiếu xuất, phiếu thu, phiếu chi…
Tiến hành hoàn thiện các chứng từ hợp lý, hợp lệ, hợp pháp tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, thuế.
Bước 3: Phân bổ các nghiệp vụ phát sinh theo tháng, quý
Doanh nghiệp nên tiến hành phân bổ các nghiệp vụ phát sinh theo thời hạn như: Phân bổ chi phí trả trước, phân bổ khấu hao…từ chính những nghiệp vụ phát sinh đã liệt kê ở trên.
Bước 4: Soát xét tổng hợp theo từng nhóm tài khoản
Có nhiều cách để soát xét lại nghiệp vụ phát sinh sau khi đã hoàn thành xong hồ sơ, nhưng phổ biến và hiệu quả nhất là soát xét theo từng nhóm tài khoản:
- Soát xét hàng tồn kho: Kiểm tra hàng tồn kho có bị âm kho không? Nếu âm kho tìm nguyên nhân hoặc sử dụng các phương pháp để chỉnh sửa, điều chỉnh kho bị âm. Chạy giá vốn theo phương pháp tính giá hàng tồn kho đã đăng ký áp dụng.
- Soát xét công nợ phải thu, phải trả: Trước hết đối với tài khoản công nợ phải thu, phải trả cần phải đối chiếu với khách hàng bằng biên bản đối chiếu công nợ cuối năm tại thời điểm 31/12/2017. Sau đó, tiến hành kiểm tra các phát sinh bên có, bên nợ để phản ảnh đúng nghiệp vụ và tính toán được rủi ro công nợ cũng như rủi ro về thuế có thể gặp phải.
- Soát xét các khoản đầu tư: Kiểm tra hồ sơ đầu tư, phân tích bản chất và phương pháp hạch toán, cần đối chứng để ghi nhận đầu tư đã phản ánh đúng chưa cũng như ghi nhận hiệu quả đầu tư mang lại thông qua biên bản họp và các tài liệu, báo cáo tài chính bên nhận đầu tư cung cấp.
- Soát xét các khoản chi phí trả trước: Kiểm tra các khoản này đã được điều chỉnh lại theo HTTK mới ban hành theo thông tư 133 hay chưa (nếu năm 2016 đang sử dụng QDD48). Sau đó kiểm tra giá trị và thời gian phân bổ đã phù hợp chưa, yêu cầu theo dõi chi tiết từng khoản và phản ánh đúng chi phí phân bổ theo nguyên tắc phù hợp.
- Soát xét TSCĐ: Tính toán nguyên giá, thời gian sử dụng, nguyên tắc ghi nhận và phân bổ khấu hao theo quy định tại TT45/2013/TT-BTC, Thông tư 28/2017/TT-BTC. Đặc biệt lưu ý quy định theo TT151/2014/TT-BTC về nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT và chi phí không được trừ tính thuế TNDN đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
- Soát xét Doanh thu: Kiểm tra doanh thu từng sản phẩm đã phản ánh theo giá thị trường chưa, biến động của giá bán và nguyên nhân biến động để đưa ra các quy định phù hợp. Kiểm tra thời điểm ghi nhận doanh thu đã tuân thủ theo TT39 hay chưa?
- Soát xét giá vốn: Kiểm tra giá vốn từng mã hàng, từng hợp đồng đã phản ánh chính xác chưa, mức độ chính xác thể hiện ở lãi gộp.
- Soát xét chi phí quản lý: Kiểm tra hồ sơ, tỷ lệ chi phí trên doanh thu đã nằm mức chấp nhận và hợp lý chưa, các tài khoản phản ánh đúng chưa? Việc ghi nhận chi phí đã phù hợp nguyên tắc kế toán hay chưa?
- Kiểm tra các bút toán điều chỉnh sai sót phát hiện, bút toán điều chỉnh đầu năm, bút toán điều chỉnh khi chuyển đổi chế độ kế toán như việc chuyển đổi từ QĐ48 sang TT133.
Bước 5: Thực hiện các bút toán tổng hợp và kết chuyển
Nhân viên kế toán thực hiện bút toán kết chuyển doanh thu, chi phí, kết chuyển lãi lỗ đảm bảo các tài khoản đầu 5 đến đầu 9 không có số dư cuối kỳ.
Bước 6: Lập báo cáo tài chính
- Lập báo cáo tài chính theo chế độ kế toán hiện hành
- Lập quyết toán thuế TNDN, TNCN
- Các báo cáo trên được lập trên phần mềm HTKK của cơ quan thuế yêu cầu bản mới nhất
- Xuất ra excel bản báo cáo tài chính hoàn chỉnh để lưu tại máy, kết xuất file XML để nộp cơ quan thuế theo quy trình nộp báo cáo mới nhất áp dụng
Sau khi đã hoàn thành tất cả 6 bước trên, nhân viên kế toán sẽ thực hiện in và lưu trữ sổ sách.
Như vậy, với 6 bước kể trên, nhân viên kế toán sẽ lập được một bản báo cáo tài chính đầy đủ, đúng yêu cầu.