Kinh nghiệm Hướng dẫn hạch toán tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ...

Hướng dẫn hạch toán tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ theo Thông tư 107

3995
Mục lục Hiển thị

Bài viết sẽ nêu ra các nguyên tắc kế toán và hướng dẫn các bạn định khoản các nghiệp vụ cơ bản liên quan đến tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ theo hướng dẫn của Thông tư 107/2017/TT-BTC.

Set of Tool Wrench

1. Nguyên tắc kế toán

1.1- Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động giá trị các loại công cụ, dụng cụ trong kho để sử dụng cho các hoạt động của đơn vị.

1.2- Tài khoản 153 dùng để hạch toán các loại công cụ, dụng cụ trang bị trong các phòng làm việc, phòng điều trị, thí nghiệm, giảng đường, phòng họp, phòng nghỉ…

1.3- Phải chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý nhập, xuất kho công cụ, dụng cụ. Tất cả các loại công cụ, dụng cụ khi nhập, xuất đều phải làm đầy đủ thủ tục: nhập, xuất và bắt buộc phải lập Phiếu nhập kho, Phiếu xuất kho.

1.4- Chỉ hạch toán vào Tài khoản 153 “Công cụ, dụng cụ” giá trị của công cụ, dụng cụ thực tế nhập, xuất qua kho. Các loại công cụ, dụng cụ mua về đưa vào sử dụng ngay (không qua kho) thì không hạch toán vào tài khoản này.

1.5- Định kỳ kế toán và thủ kho phải đối chiếu về số lượng nhập, xuất, tồn kho từng loại công cụ, dụng cụ. Trường hợp phát hiện chênh lệch phải xác định nguyên nhân và báo ngay cho kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán và thủ trưởng đơn vị biết để kịp thời có biện pháp xử lý.

1.6- Hạch toán nhập, xuất, tồn kho công cụ, dụng cụ phải theo giá thực tế. Việc xác định giá thực tế dùng làm căn cứ ghi sổ kế toán được quy định cho từng trường hợp cụ thể sau:

a) Giá thực tế nhập kho

– Giá thực tế công cụ, dụng cụ mua ngoài nhập kho để sử dụng cho hoạt động hành chính, sự nghiệp, dự án hoặc sử dụng cho hoạt động đầu tư XDCB được tính theo giá mua thực tế ghi trên hóa đơn (gồm cả thuế GTGT).

– Giá thực tế công cụ, dụng cụ mua ngoài nhập kho để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh:

+ Trường hợp công cụ, dụng cụ mua về sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế thì giá trị của công cụ, dụng cụ mua vào được phản ánh theo giá mua chưa có thuế GTGT (thuế GTGT đầu vào của công cụ, dụng cụ mua vào được hạch toán vào Tài khoản 133 “Thuế GTGT được khấu trừ”);

+ Trường hợp công cụ, dụng cụ mua về dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp hoặc dùng cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì giá trị công cụ, dụng cụ mua vào được phản ánh theo giá mua bao gồm cả thuế GTGT (tổng giá thanh toán).

+ Giá thực tế của công cụ, dụng cụ tự sản xuất nhập kho là toàn bộ chi phí đơn vị bỏ ra để chế tạo dụng cụ đó.

+ Giá thực tế của công cụ, dụng cụ thu hồi là giá do Hội đồng đánh giá tài sản của đơn vị xác định (trên cơ sở giá trị hiện còn của công cụ, dụng cụ)

b) Giá thực tế xuất kho

Giá thực tế công cụ, dụng cụ xuất kho có thể áp dụng 1 trong các phương pháp: Giá thực tế bình quân gia quyền; giá thực tế đích danh (nhập giá nào, xuất giá đó); giá nhập trước, xuất trước.

1.7- Trường hợp nhập kho công cụ, dụng cụ do mua bằng nguồn kinh phí NSNN; nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài; nguồn phí được khấu trừ, để lại, khi xuất kho sử dụng tính vào chi phí của từng hoạt động đến đâu thì tính vào doanh thu tương ứng đến đó.

2- Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 153- Công cụ, dụng cụ

Bên Nợ:

  • Giá trị thực tế của công cụ, dụng cụ nhập kho (do mua ngoài, cấp trên cấp, tự chế…);
  • Giá trị thực tế của công cụ, dụng cụ thừa phát hiện khi kiểm kê.

Bên Có:

  • Giá trị thực tế của công cụ, dụng cụ xuất kho;
  • Giá trị thực tế của công cụ, dụng cụ thiếu phát hiện khi kiểm kê.

Số dư bên Nợ: Giá trị thực tế của công cụ, dụng cụ hiện còn trong kho của đơn vị.

3. Phương pháp hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu

3.1- Mua công cụ, dụng cụ nhập kho bằng nguồn NSNN.

a) Rút dự toán mua công cụ, dụng cụ, ghi:

Nợ TK 153- Công cụ, dụng cụ

Có TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36612).

Đồng thời, ghi:

Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (nếu rút dự toán chi hoạt động).

b) Rút tiền gửi (kể cả tiền gửi được cấp bằng Lệnh chi tiền thực chi) mua công cụ, dụng cụ, ghi:

Nợ TK 153- Công cụ, dụng cụ

Có TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc.

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 337- Tạm thu (3371)

Có TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36612).

Đồng thời, ghi:

Có TK 012- Lệnh chi tiền thực chi (nếu mua bằng kinh phí cấp bằng Lệnh chi tiền thực chi), hoặc

Có TK 018- Thu hoạt động khác được để lại (nếu mua bằng nguồn thu hoạt động khác được để lại).

c) Khi xuất công cụ, dụng cụ ra sử dụng, ghi:

Nợ TK 611- Chi phí hoạt động

Có TK 153- Công cụ, dụng cụ.

3.2- Nhập kho công cụ, dụng cụ mua bằng nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài:

– Khi chuyển tiền mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, ghi:

Nợ TK 153- Công cụ, dụng cụ

Có các TK 112, 331,….

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 337- Tạm thu (3372)

Có TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36622).

– Khi xuất công cụ, dụng cụ ra sử dụng, ghi:

Nợ TK 612- Chi từ nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài

Có TK 153- Công cụ, dụng cụ.

3.3- Nhập kho công cụ, dụng cụ mua bằng nguồn phí được khấu trừ, để lại:

– Khi chuyển tiền mua công cụ, dụng cụ, ghi:

Nợ TK 153- Công cụ, dụng cụ

Có các TK 111, 112, 331,….

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 337- Tạm thu (3373)

Có TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36632).

– Khi xuất công cụ, dụng cụ ra sử dụng, ghi:

Nợ TK 614- Chi phí hoạt động thu phí

Có TK 153- Công cụ, dụng cụ.

3.4- Nhập kho công cụ, dụng cụ do mua chịu dùng cho các hoạt động hành chính, sự nghiệp, ghi:

Nợ TK 153- Công cụ, dụng cụ (tổng giá thanh toán)

Có TK 331- Phải trả cho người bán.

– Khi thanh toán các khoản mua chịu, ghi:

Nợ TK 331- Phải trả cho người bán

Có các TK 111, 112.

3.5- Nhập kho công cụ, dụng cụ mua ngoài bằng tiền tạm ứng, ghi:

Nợ TK TK 153- Công cụ, dụng cụ (tổng giá thanh toán)

Có TK 141- Tạm ứng.

3.6- Các loại công cụ, dụng cụ đã xuất dùng nhưng sử dụng không hết nhập lại kho, ghi:

Nợ TK 153- Công cụ, dụng cụ (theo giá xuất kho)

Có các TK 154, 241, 611, 612, 614.

3.7- Công cụ, dụng cụ thừa phát hiện khi kiểm kê, chưa xác định được nguyên nhân, ghi:

Nợ TK 153- Công cụ, dụng cụ

Có TK 338- Phải trả khác (3388).

3.8- Nhập kho công cụ, dụng cụ vay mượn của các đơn vị khác, ghi:

Nợ TK 153- Công cụ, dụng cụ

Có TK 338- Phải trả khác (3388).

3.9- Nhập kho công cụ, dụng cụ do được tài trợ, biếu, tặng nhỏ lẻ, ghi:

Nợ TK 153- Công cụ, dụng cụ

Có TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36621).

3.10- Công cụ, dụng cụ mua ngoài nhập kho để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

– Công cụ, dụng cụ nhập kho để dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ TK 153- Công cụ, dụng cụ (giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133- Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào)

Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).

– Công cụ, dụng cụ nhập kho để dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, ghi:

Nợ TK 153- Công cụ, dụng cụ

Có các TK 111, 112, 331,… (tổng số tiền thanh toán cho người bán).

3.11- Khi nhập khẩu công cụ, dụng cụ để dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3337) (chi tiết thuế nhập khẩu)

Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).

Đồng thời, phản ánh thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 133- Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (33312).

3.12- Khi nhập khẩu công cụ, dụng cụ để dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, ghi:

Nợ tài khoản 153- Công cụ, dụng cụ (tổng giá thanh toán có cả thuế GTGT và thuế nhập khẩu)

Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (33312)

Có TK 333 – Các khoản phải nộp nhà nước (3337)

Có các TK 111, 112, 331 (Số tiền phải trả người bán).

3.13- Xuất kho công cụ, dụng cụ sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ bản của đơn vị, căn cứ vào mục đích sử dụng, ghi:

Nợ các TK 154, 241, 642…

Có TK 153- Công cụ, dụng cụ.

3.14- Công cụ, dụng cụ phát hiện thiếu khi kiểm kê, chưa xác định được nguyên nhân chờ xử lý, ghi:

Nợ TK 138- Phải thu khác (1388)

Có TK 153- Công cụ, dụng cụ.

3.15- Cuối năm, kế toán tính toán kết chuyển sang các TK thu (doanh thu) tương ứng với số công cụ, dụng cụ hình thành từ nguồn NSNN cấp; phí được khấu trừ, để lại hoặc nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài đã xuất ra sử dụng trong năm, ghi:

Nợ TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu

Có các TK 511, 512, 514.

Như vậy, bài viết trên đã hướng dẫn các bạn định khoản các nghiệp vụ liên quan đến tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ theo hướng dẫn của Thông tư 107/2017/TT-BTC. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm

Hướng dẫn hạch toán tài khoản 152 – Nguyên liệu, vật liệu theo hướng dẫn của Thông tư 107

Hướng dẫn định khoản tài khoản 141 – Tạm ứng theo hướng dẫn của Thông tư 107

Hướng dẫn định khoản tài khoản 138 – Phải thu khác theo hướng dẫn của Thông tư 107