Kinh nghiệm Nghỉ không lương: Những điều cơ bản người lao động cần ghi...

Nghỉ không lương: Những điều cơ bản người lao động cần ghi nhớ

294

Theo quy định, ngoài ngày nghỉ hưởng nguyên lương, người lao động còn được chế độ nghỉ không lương. Tuy nhiên, thực tế rất ít lao động biết đến những thông tin liên quan đến loại quyền lợi này.

chế độ nghỉ không lương

Khi nào người lao động được hưởng chế độ nghỉ không lương?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 116 Bộ luật Lao động 2012, người lao động được hưởng chế độ nghỉ không hưởng lương 1 ngày trong các trường hợp:

– Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại chết

– Anh, chị, em ruột chết

– Bố hoặc mẹ kết hôn

– Anh, chị, em ruột kết hôn.

Lưu ý: Trong những trường hợp này, người lao động phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước.

Ngoài ra, người lao động cũng có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương với những lý do khác.

Điều này đồng nghĩa với việc, người lao động sẽ không bị giới hạn số ngày nghỉ không hưởng lương trong năm, miễn có thỏa thuận với người sử dụng lao động và được người sử dụng lao động chấp thuận.

Doanh nghiệp được từ chối khi người lao động xin nghỉ 

Như đã đề cập, với những trường hợp người thân chết, kết hôn mà người lao động đã thông báo thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện cho người lao động nghỉ không hưởng lương theo đúng quy định.

Trường hợp vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng (theo khoản 11 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP).

Với những trường hợp nghỉ không hưởng lương mà người lao động tự thỏa thuận với người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có thể đồng ý hoặc không đồng ý với thỏa thuận này mà không bị coi là vi phạm pháp luật.

Nghỉ hưởng không lương vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội?

Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH nêu rõ:

Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Do đó, nếu người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người sử dụng lao động lẫn người lao động đều không phải đóng BHXH cho tháng đó.

Ngược lại, nếu tổng thời gian nghỉ không hưởng lương trong tháng của người lao động dưới 14 ngày làm việc thì cả người sử dụng lao động và người lao động đều phải tham gia BHXH đầy đủ.

Ví dụ:

Công ty X làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật.

Chị A là nhân viên của công ty X. Vì lý do cá nhân, chị thỏa thuận với công ty nghỉ không lương từ ngày 13/01/2020 đến hết ngày 07/02/2020, sau đó đi làm lại bình thường.

Xét thời gian nghỉ không hưởng lương của chị A trong khoảng thời gian trên thì việc đóng BHXH được thực hiện như sau:

Tháng 01/2020: Chị A không làm việc và không hưởng lương 15 ngày làm việc. Do đó, công ty X và chị A không phải đóng BHXH tháng 01.

Tháng 02/2020: Chị A không làm việc và không hưởng lương 05 ngày làm việc. Do đó, công ty X và chị A vẫn phải đóng BHXH đầy đủ cho cả tháng 02.

Xem thêm:

Cách tính thuế thu nhập cá nhân theo lương NET mới nhất

Cách xây dựng và Mẫu thang bảng lương năm 2020

Hơn 20 lỗi kế toán không chuyên thường gặp khi thực hiện nghĩa vụ thuế