Hàng tồn kho Hạch toán hàng tồn kho Hàng tồn kho là gì? Phương pháp kế toán và cách xác...

Hàng tồn kho là gì? Phương pháp kế toán và cách xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ

4031

Thuật ngữ “hàng tồn kho” (HTK) không còn xa lạ gì trong giới kế toán. Tuy nhiên, với những người mới học kế toán hay chậm chững vào nghề, thuật ngữ này có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.

Vậy thì hàng tồn kho là gì? Phương pháp kế toán và cách xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ thế nào?

Bài tham khảo: Kế toán hàng tồn kho trong doanh nghiệp

“Hàng tồn kho” là gì? Phương pháp kế toán hàng tồn kho

Hàng tồn kho là gì?

Theo thông tư số 200/2014/TT-BTC, HTK được định nghĩa như sau:

“Hàng tồn kho của doanh nghiệp là những tài sản được mua vào để sản xuất hoặc để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường.”

Theo đó HTK trong doanh nghiệp gồm:

– Hàng mua đang đi trên đường.

– Nguyên liệu, vật liệu.

– Công cụ, dụng cụ.

– Sản phẩm dở dang.

– Thành phẩm, hàng hoá, hàng gửi bán.

– Hàng hoá được lưu giữ tại kho bảo thuế của doanh nghiệp.

Lưu ý:

– Sản phẩm, hàng hóa, vật tư, tài sản nhận giữ hộ, nhận ký gửi, nhận ủy thác xuất nhập khẩu, nhận gia công… không thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của doanh nghiệp thì không được phản ánh là HTK.

– Những tài sản sau đây không được phản ánh là HTK mà được trình bày trên Bảng cân đối kế toán tại chỉ tiêu “tài sản dài hạn”:

+ Sản phẩm dở dang có thời gian sản xuất, luân chuyển vượt quá một chu kỳ kinh doanh thông thường.

+ Vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế có thời gian dự trữ trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường.

Phương pháp xác định giá trị HTK cuối kỳ

Theo chế độ kế toán hiện nay, có 3 phương pháp xác định giá trị HTK cuối kỳ

a) Phương pháp tính theo giá đích danh

Phương pháp này thường áp dụng cho các doanh nghiệp có ít loại hàng và có thể nhận diện được các mặt hàng. Phương pháp này được hiểu là: xuất loại hàng nào thì tính theo giá trị thực tế của loại hàng đó.

b) Phương pháp bình quân gia quyền

Phương pháp này cho phép tính giá trị của từng lạo HTK theo giá trị trung bình. Giá trị này có thể được tính tại cuối kỳ hoặc sau mỗi lần nhập hàng về.

c) Phương pháp nhập trước, xuất trước (FIFO)

Phương pháp nhập trước, xuất trước được hiểu là: HTK được mua hoặc được sản xuất trước thì được xuất trước. Theo đó, giá trị HTK cuối kỳ chính là giá trị HTK được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ.

Các phương pháp kế toán hàng tồn kho

a) Phương pháp kê khai thường xuyên

Áp dụng phương pháp này, kế toán sẽ phải theo dõi và phản ánh thường xuyên, liên tục, có hệ thống tình hình nhập, xuất, tồn vật tư, hàng hóa trên sổ kế toán.

Theo phương pháp này, việc xuất, nhập kho của HTK được theo dõi, phản ánh trên các tài khoản kế toán HTK.

Cuối kỳ kế toán, kế toán sẽ đối chiếu số liệu hàng tồn kho trên sổ kế toán với số liệu kiểm kê thực tế. Về nguyên tắc thì số tồn kho thực tế phải luôn bằng với số tồn kho trên sổ kế toán. Nếu phát hiện chênh lệch phải tìm ra nguyên nhân và có giải pháp xử lý kịp thời.

b) Phương pháp kiểm kê định kỳ

Hiện nay các doanh nghiệp hay cửa hàng bán lẻ hay sử dụng phương pháp kiểm kê định kỳ. Bởi họ sở hữu nhiều mặt hàng. Các mặt hàng này có quy cách đóng gói, mẫu mã khác nhau nhưng lại có giá trị thấp và được xuất dùng hoặc xuất bán thường xuyên.

Áp dụng phương pháp này, kế toán phải căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế để phản ánh giá trị HTK cuối kỳ trên sổ kế toán, từ đó mới tính giá trị của HTK đã xuất trong kỳ.

Trị giá HTK xuất trong kỳ được xác định theo công thức:

Trị giá hàng xuất kho trong kỳ = Trị giá hàng tồn kho đầu kỳ + Tổng trị giá hàng nhập kho trong kỳ Trị giá hàng tồn kho cuối kỳ

Theo phương pháp này, việc xuất, nhập của vật tư, hàng hóa không theo dõi, phản ánh trên các tài khoản kế toán HTK. Giá trị của HTK mua và nhập kho trong kỳ sẽ phản ánh trên tài khoản 611 – Mua hàng. Như vậy với phương pháp này, các tài khoản kế toán HTK chỉ sử dụng ở đầu kỳ kế toán (để kết chuyển số dư đầu kỳ) và cuối kỳ kế toán (để phản ánh giá trị thực tế hàng tồn kho cuối kỳ).

Xem thêm:

Mời tải về mẫu bảng chấm công theo ca (file Excel)

Những lưu ý quan trọng về các khoản thu hộ, chi hộ kế toán nên nằm lòng

Mời tải về Các biểu mẫu tiền lương chuẩn theo Thông tư 200