Những nguyên tắc kế toán và cách định khoản các nghiệp vụ cơ bản liên quan đến tài khoản 333 – Các khoản phải nộp nhà nước theo hướng dẫn của Thông tư 107/2017/TT-BTC sẽ được trình bày chi tiết trong bài viết sau đây.
1. Nguyên tắc kế toán
1.1- Tài khoản này sử dụng ở đơn vị hành chính, sự nghiệp để phản ánh các khoản thuế phải nộp cho Nhà nước, các khoản phí, lệ phí đơn vị đã thu và các khoản khác phải nộp cho Nhà nước (nếu có)…
1.2- Các đơn vị hành chính, sự nghiệp phải chủ động tính và xác định các khoản thuế phải nộp cho Nhà nước và phản ánh kịp thời vào sổ kế toán về các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp cho nhà nước. Việc kê khai và nộp thuế đầy đủ là nghĩa vụ của từng đơn vị.
1.3- Nguyên tắc kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (gọi tắt là thuế thu nhập cá nhân) thực hiện theo pháp luật thuế hiện hành.
1.4- Kế toán phải mở sổ chi tiết theo dõi từng khoản thuế phải nộp và đã nộp cho Nhà nước.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 333- Các khoản phải nộp Nhà nước
Bên Nợ:
Các khoản thuế và các khoản khác đã nộp Nhà nước.
Bên Có:
Các khoản thuế và các khoản khác phải nộp Nhà nước.
Số dư bên Có: Các khoản còn phải nộp Nhà nước.
Tài khoản 333 có thể có số dư bên Nợ (trường hợp cá biệt): Phản ánh số thuế và các khoản đã nộp lớn hơn số thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước.
Tài khoản 333 – Các khoản phải nộp Nhà nước, có 6 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 3331- Thuế giá trị gia tăng phải nộp: Tài khoản này sử dụng cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh để phản ánh số thuế GTGT phải nộp, số thuế GTGT đã nộp và còn phải nộp vào NSNN của hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
- Tài khoản 3332- Phí, lệ phí: Phản ánh các khoản phí, lệ phí mà đơn vị được phép và có trách nhiệm thu, nộp cho Nhà nước theo chức năng hoạt động của đơn vị và tình hình nộp vào NSNN;
- Tài khoản 3334- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Chỉ sử dụng ở những đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ để phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và tình hình nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải nộp thuế TNDN;
- Tài khoản 3335- Thuế thu nhập cá nhân: Phản ánh thuế thu nhập cá nhân khấu trừ tại nguồn tính trên thu nhập của người chịu thuế và tình hình nộp vào NSNN.
- Tài khoản 3337- Thuế khác: Phản ánh các khoản thuế khác đơn vị phải nộp, đã nộp, còn phải nộp như: Thuế môn bài, thuế đất, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt,…
- Tài khoản 3338- Các khoản phải nộp nhà nước khác: Phản ánh các khoản khác phải nộp và tình hình thanh toán các khoản phải nộp khác cho Nhà nước, như: Khoản nộp tiền thu phạt; thu tiền bồi thường; tiền thu bán hồ sơ thầu XDCB sau khi trừ chi phí cho lễ mở thầu nếu còn thừa phải nộp vào NSNN; chênh lệch thu lớn hơn chi tiền thanh lý, nhượng bán TSCĐ (đối với các cơ quan đơn vị theo quy định sau khi trừ chi phí thanh lý, nhượng bán phần còn lại phải nộp NSNN)….
3. Phương pháp hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu
3.1- Kế toán thuế giá trị gia tăng phải nộp NSNN ở đơn vị hành chính, sự nghiệp
a) Kế toán thuế GTGT ở các đơn vị hành chính, sự nghiệp được khấu trừ thuế
– Khi bán hàng hóa, dịch vụ được khấu trừ thuế GTGT, kế toán lập Hóa đơn GTGT và phải ghi rõ giá bán chưa có thuế GTGT, thuế GTGT phải nộp và tổng giá thanh toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,…(tổng giá thanh toán)
Có TK 333- Các khoản phải nộp Nhà nước (33311)
Có TK 531- Doanh thu hoạt động SXKD, dịch vụ.
– Khi phát sinh các khoản thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,…(tổng giá thanh toán)
Có TK 333- Các khoản phải nộp Nhà nước (33311).
Có TK 711- Thu nhập khác (7111).
– Khi nhập khẩu vật tư, thiết bị, hàng hóa, TSCĐ, kế toán phản ánh số thuế nhập khẩu phải nộp, tổng số tiền phải thanh toán và giá trị vật tư, thiết bị, hàng hóa, TSCĐ nhập khẩu (chưa có thuế GTGT), ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211,…
Có TK 333- Các khoản phải nộp Nhà nước (3337)
Có các TK 111, 112, 331,…
Đồng thời phản ánh số thuế GTGT phải nộp của hàng nhập khẩu:
– Khi nộp thuế GTGT hàng hóa nhập khẩu vào NSNN, ghi:
Nợ TK 333- Các khoản phải nộp Nhà nước (33312)
Có các TK 111, 112.
– Trường hợp hàng bán bị trả lại (thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế), phản ánh số tiền thu của số hàng bán bị trả lại, ghi:
Nợ TK 531- Doanh thu hoạt động SXKD, dịch vụ (giá bán chưa có thuế GTGT) (chi tiết hàng bán bị trả lại).
Nợ TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (33311)
Có các TK 111, 112, 131,…
b) Kế toán thuế GTGT ở các đơn vị nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
– Khi bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ, kế toán phản ánh các khoản thu bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ là tổng giá thanh toán (bao gồm cả thuế GTGT), ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Có TK 531- Doanh thu hoạt động SXKD, dịch vụ.
– Cuối kỳ, kế toán tính thuế GTGT phải nộp tính trên phần GTGT do cơ quan thuế xác định, ghi:
Nợ TK 531- Doanh thu hoạt động SXKD, dịch vụ
Có Tài khoản 333- Các khoản phải nộp nhà nước (33311).
– Khi nộp thuế GTGT vào Ngân sách nhà nước, ghi:
Nợ Tài khoản 333- Các khoản phải nộp nhà nước (33311)
Có các TK 111, 112,…
3.2- Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế xuất khẩu
a) Khi bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ, phản ánh doanh thu bán hàng là tổng giá thanh toán (bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu).
Nợ các TK 111, 112, 131,…(tổng giá thanh toán).
Có TK 531- Doanh thu hoạt động SXKD, dịch vụ.
b) Phản ánh số thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế xuất khẩu phải nộp, ghi:
Nợ TK 531- Doanh thu hoạt động SXKD, dịch vụ.
Có TK 333 – Các khoản phải nộp nhà nước (3337).
c) Khi nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế xuất khẩu vào NSNN, ghi:
Nợ TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3337)
Có các TK 111, 112,…
3.3- Kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp
a) Định kỳ, đơn vị tự xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế, ghi:
Nợ TK 821- Chi phí thuế TNDN.
Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3334).
b) Khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào NSNN, ghi:
Nợ TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3334).
Có các TK 111, 112,…
c) Cuối năm, xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp:
– Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp lớn hơn số tạm nộp hàng quý trong năm thì số chênh lệch phải nộp thêm, ghi:
Nợ TK 821- Chi phí thuế TNDN.
Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3334).
– Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý trong năm lớn hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3334).
Có TK 821 – Chi phí thuế TNDN.
3.4- Kế toán phí, lệ phí
a) Xác định số tiền thu phí, lệ phí đơn vị phải nộp NSNN theo quy định, ghi:
Nợ TK 337- Tạm thu (3373).
Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3332).
b) Khi nộp tiền thu phí, lệ phí vào NSNN, ghi:
Nợ TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3332)
Có các TK 111, 112.
3.5- Kế toán thuế thu nhập cá nhân
a) Định kỳ, tạm tính số thuế thu nhập cá nhân phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế của người lao động, ghi:
Nợ TK 334- Phải trả người lao động
Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3335).
b) Khi đơn vị chi trả thu nhập cho các cá nhân bên ngoài (kể cả nhà thầu nước ngoài) phải xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp tính trên thu nhập không thường xuyên chịu thuế theo từng lần phát sinh thu nhập, ghi:
Nợ các TK 154, 241, 611, 612,… (tổng số thanh toán).
Có TK 333- Các khoản phải nộp Nhà nước (3335) (số thuế thu nhập cá nhân phải khấu trừ tại nguồn).
Có các TK 111, 112,…(số tiền thực trả).
c) Khi nộp thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước thay cho người có thu nhập cao, ghi:
Nợ TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3335) (chi tiết thuế thu nhập cá nhân).
Có các TK 111, 112.
3.6- Kế toán thuế và các khoản phải nộp nhà nước khác
a) Thuế môn bài của đơn vị có tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nộp nhà nước, ghi:
Nợ TK 642- Chi phí quản lý hoạt động SXKD, dịch vụ
Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3337).
b) Thuế nhập khẩu phải nộp Nhà nước khi nhập khẩu vật tư, hàng hóa, TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211.
Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3337).
c) Khi nộp thuế môn bài, thuế nhập khẩu và các khoản phải nộp nhà nước khác, ghi:
Nợ TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3337, 3338)
Có các TK 111, 112.
d) Thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ (kể cả thu tiền bán hồ sơ thầu liên quan đến hoạt động thanh lý, nhượng bán TSCĐ) bằng tiền mặt, ghi:
– Trường hợp theo cơ chế tài chính phần chênh lệch thu lớn hơn chi của hoạt động thanh lý, nhượng bán TSCĐ được để lại đơn vị, ghi:
Nợ TK 111- Tiền mặt (tổng giá thanh toán)
Có TK 711- Thu nhập khác (7111) (số thu chưa có thuế GTGT)
Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước (3331) (nếu có).
– Trường hợp theo cơ chế tài chính phần chênh lệch thu lớn hơn chi của hoạt động thanh lý, nhượng bán TSCĐ đơn vị phải nộp lại cho NSNN
+ Phản ánh phần chênh lệch thu lớn hơn chi phải nộp NSNN, ghi:
Nợ TK 337- Tạm thu (3378)
Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước.
+ Khi nộp, ghi:
Nợ TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước
Có TK 111- Tiền mặt.
đ) Thu tiền bán hồ sơ mời thầu các công trình XDCB bằng tiền NSNN, ghi:
+ Phản ánh phần chênh lệch thu lớn hơn chi phải nộp NSNN, ghi:
Nợ TK 337- Tạm thu (3378)
Có TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước
+ Khi nộp, ghi:
Nợ TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước
Có TK 111- Tiền mặt
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu được nguyên tắc kế toán và cách hạch toán tài khoản 333 – Các khoản phải nộp nhà nước tại những đơn vị hành chính sự nghiệp. Chúc các bạn thành công!
Xem thêm
Hạch toán tài khoản 332 – Các khoản phải nộp theo lương theo hướng dẫn của Thông tư 107
Hạch toán tài khoản 331 – Phải trả cho người bán theo hướng dẫn của Thông tư 107
Hạch toán tài khoản 242 – Chi phí trả trước theo hướng dẫn của Thông tư 107