80% doanh nghiệp toàn cầu sử dụng đòn bẩy tài chính để mở rộng quy mô và tăng lợi nhuận nhanh chóng (McKinsey). Nhưng mặt trái là gì? 30% doanh nghiệp phá sản vì lạm dụng đòn bẩy, mất kiểm soát dòng tiền và chìm trong nợ nần (S&P Global).
Sử dụng đòn bẩy tài chính có thể giúp doanh nghiệp tăng tốc hoặc sụp đổ – sự khác biệt nằm ở chiến lược! Đòn bẩy bao nhiêu % là hợp lý? Công thức nào giúp doanh nghiệp tối ưu lợi nhuận nhưng vẫn kiểm soát rủi ro?
1. Hiểu về đòn bẩy tài chính
1.1. Đòn bẩy tài chính là gì?
Đòn bẩy tài chính (ĐBTC) tiếng anh là Financial Leverage hay thường được gọi tắt là đòn bẩy.
ĐBTC là việc doanh nghiệp sử dụng vốn vay (nợ) để tài trợ cho hoạt động kinh doanh, mua tài sản thay vì chỉ dựa vào vốn chủ sở hữu.
Khi sử dụng đúng cách, đòn bẩy giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô nhanh hơn, tối ưu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Nếu quản lý đòn bẩy không tốt, doanh nghiệp sẽ rơi vào áp lực nợ tăng và nguy cơ mất khả năng thanh toán.
1.2. Giải thích đơn giản về đòn bẩy tài chính
Giả sử doanh nghiệp có 1 tỷ vốn tự có và cần mở rộng nhà máy với tổng chi phí là 5 tỷ. Lúc này doanh nghiệp có 2 sự lựa chọn:
- Không dùng đòn bẩy => Chỉ dùng vốn tự có, mở rộng chậm, không tận dụng được cơ hội thị trường.
- Dùng đòn bẩy tài chính => Vay thêm 4 tỷ để mở rộng nhanh chóng, tăng doanh thu nhưng đồng thời cũng có áp lực trả lãi vay.
ĐBTC là một con dao hai lưỡi. Doanh nghiệp có thể đột phá mạnh mẽ nếu kiểm soát tốt, nhưng cũng có thể sụp đổ nếu lạm dụng nó.
1.3. Ví dụ thực tế
Ví dụ thành công của Tesla: Elon Musk đã tận dụng ĐBTC để mở rộng quy mô sản xuất xe điện, dù phải gánh nhiều khoản vay lớn nhưng lợi nhuận sau cùng đã bù đắp được.
Ví dụ thất bại của sự sụp đổ Evergrande: Evergrande đã vay nợ quá mức để đầu tư vào bất động sản. Khi thị trường chững lại, doanh nghiệp không thể trả nợ, dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ lớn nhất Trung Quốc.

2. Công thức đòn bẩy tài chính và cách tính
2.1. Công thức đòn bẩy tài chính tổng quát
Đòn bẩy tài chính được đo lường thông qua hệ số đòn bẩy tài chính (FLR) – hệ số này thể hiện mức độ sử dụng nợ vay của doanh nghiệp.
Công thức tổng quát hệ số ĐBTC:
Hệ số đòn bẩy tài chính = Tổng tài sản / vốn chủ sở hữu = 1 + Nợ vay / Vốn chủ sở hữu
Trong đó:
- Nếu hệ số > 1: Doanh nghiệp có sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
- Nếu hệ số = 1: Doanh nghiệp không có nợ vay, chỉ sử dụng vốn chủ sở hữu.
- Nếu hệ số quá cao (ví dụ trên 3 lần): Doanh nghiệp đang gánh quá nhiều nợ, rủi ro tài chính cao.
Ý nghĩa thực tế: Một doanh nghiệp có hệ số đòn bẩy tài chính = 2 tức là cứ mỗi 1 đồng vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp đang sử dụng 1 đồng vốn vay để hoạt động.
Trong phân tích tài chính, ĐBTC thường được tính theo mức độ ảnh hưởng của nợ đến lợi nhuận, với công thức:
Độ lớn đòn bẩy tài chính (DFL) = % thay đổi EPS / % thay đổi EBIT
Trong đó:
- EPS: Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu.
- EBIT: Lợi nhuận trước lãi vay và thuế.
Nếu:
- Nếu DFL > 1 → Doanh nghiệp có sử dụng đòn bẩy tài chính.
- DFL càng cao → Lợi nhuận có thể tăng mạnh khi EBIT tăng, nhưng rủi ro cũng cao hơn.
- DFL = 1 → Không sử dụng nợ vay, chỉ dựa vào vốn chủ sở hữu.
2.2. Các công thức tính đòn bẩy tài chính chi tiết
Ngoài công thức tổng quát, có một số chỉ số liên quan khác:
a, Tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E)
D/E = Tổng nợ vay / Vốn chủ sở hữu
- Nếu D/E < 1: Doanh nghiệp có ít nợ, rủi ro thấp.
- Nếu D/E > 2: Doanh nghiệp đang phụ thuộc nhiều vào nợ, tiềm ẩn rủi ro tài chính.
b, Tỷ số nợ trên tổng tài sản (D/A)
D/A = Tổng nợ vay / Tổng tài sản
- Nếu D/A < 50%: Tài sản của doanh nghiệp chủ yếu đến từ vốn chủ sở hữu.
- Nếu D/A > 50%: Doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nợ vay.
2.3. Ví dụ áp dụng công thức tính đòn bẩy tài chính
Để hiểu rõ cách áp dụng công thức tính ĐBTC, hãy xem xét tình huống doanh nghiệp sản xuất (công ty A) đang muốn mở rộng quy mô kinh doanh.
Tình hình công ty A vào năm 2024 như sau:
- Tổng tài sản: 50 tỷ VNĐ
- Vốn chủ sở hữu: 20 tỷ VNĐ
- Nợ vay ngân hàng: 30 tỷ VNĐ
- Lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT): 8 tỷ VNĐ
- Lãi suất vay trung bình: 10%/năm
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp: 20%
Bước 1: Tính hệ số đòn bẩy tài chính
Hệ số đòn bẩy tài chính = Tổng tài sản / Vốn chủ sở hữu = 50 / 20 = 2.5
Nghĩa là:
- Công ty A đang sử dụng 2.5 lần vốn chủ sở hữu để tài trợ cho tài sản của mình, tức là 60% tổng tài sản đến từ vốn vay.
- Đây là mức đòn bẩy trung bình – cao, phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro nếu doanh thu sụt giảm.
Bước 2: Tính tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E)
D/E = Nợ Vay / Vốn chủ sở hữu = 30 / 20 = 1.5
Ý nghĩa:
- Công ty A có nợ gấp 1.5 lần vốn chủ sở hữu, đây là mức khá phổ biến trong ngành sản xuất.
- Nếu D/E > 2, công ty sẽ đối mặt với rủi ro tài chính cao hơn, cần kiểm soát dòng tiền tốt hơn.
Bước 3: Tính mức độ tác động của đòn bẩy tài chính đến lợi nhuận (DFL)
DFL = % thay đổi EPS / % thay đổi EBIT = EBIT / (EBIT – Chi phí lãi vay)
Tính chi phí lãi vay:
Chi phí lãi vay = Nợ vay * Lãi suất = 30 tỷ * 10% = 3 Tỷ VNĐ.
Tính DFL:
DFL = 8 / (8 -3) = 1.6
Ý nghĩa:
- Với DFL = 1.6, nếu lợi nhuận trước lãi vay (EBIT) tăng 10%, thì lợi nhuận ròng (EPS) sẽ tăng 16%.
- Ngược lại, nếu EBIT giảm 10%, lợi nhuận ròng cũng giảm 16%.
- Điều này cho thấy Công ty A có đòn bẩy tài chính tương đối cao, giúp tăng lợi nhuận nhanh nhưng cũng làm tăng rủi ro nếu EBIT sụt giảm.

2.4. Các mức độ đòn bẩy tài chính phổ biến trong thực tế
* Mức độ an toàn (D/E < 1, hệ số < 2.0):
- Phù hợp với doanh nghiệp có dòng tiền ổn định (bán lẻ, thực phẩm, dịch vụ).
- Rủi ro thấp, dễ dàng huy động thêm vốn nếu cần.
* Mức trung bình (D/E từ 1-2, Hệ số 2.0 – 3.0):
- Phổ biến với doanh nghiệp sản xuất, công nghệ, logistics.
- Cần quản lý dòng tiền và lãi suất vay chặt chẽ.
* Mức rủi ro cao (D/E > 2, Hệ số > 3.0):
- Thường thấy ở doanh nghiệp bất động sản, tài chính, đầu tư.
- Tiềm năng lợi nhuận cao nhưng rủi ro mất thanh khoản lớn.
3. Đòn bẩy tài chính bao nhiêu % là hợp lý?
Không có con số cố định cho mức ĐBTC bao nhiêu là hợp lý, bởi nó phụ thuộc vào ngành nghề, khả năng sinh lời, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro có thể chấp nhận.
Tuy nhiên, mức D/E từ 1 đến 2 là mức hợp lý với hầu hết các doanh nghiệp. Mức cao hơn có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn nhưng cũng đi kèm rủi ro mất thanh khoản và phá sản nếu kiểm soát không tốt.
Dưới đây là bảng mức ĐBTC theo từng ngành:
Ngành |
D/E phổ biến | Ghi chú |
Công nghệ | 0.5 – 1.5 | Lợi nhuận cao, ít vay nợ |
Bán lẻ | 0.5 – 1.2 | Dòng tiền ổn định, rủi ro thấp |
Sản xuất | 1 – 2.5 | Cần vốn lớn, vay nợ để mở rộng |
Bất động sản | 2 – 4 | Đòn bẩy cao, lợi nhuận lớn nhưng rủi ro cao |
Tài chính – Ngân hàng | 5 – 10 | Dựa vào vốn vay để hoạt động |
4. Phân tích đòn bẩy tài chính trong doanh nghiệp
4.1. Tác động của ĐBTC với doanh nghiệp
ĐBTC luôn là “con dao hai lưỡi” với doanh nghiệp nên nó sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực:
Ảnh hưởng tích cực:
- Tăng trưởng nhanh nhờ mở rộng hoạt động mà không cần tăng vốn chủ sở hữu.
- Tối ưu chỉ số ROE nếu lợi nhuận từ vốn vay cao hơn chi phí lãi vay, giúp cổ đông hưởng lợi.
- Tận dụng được cơ hội đầu tư để đáp ứng nhu cầu vốn nhanh chóng.
Ảnh hưởng tiêu cực:
- Doanh nghiệp phải chịu áp lực tài chính từ chi phí lãi vay làm lợi nhuận giảm.
- Có rủi ro mất thanh khoản nếu không đủ dòng tiền để trả nợ.
- Rủi ro phá sản cao vì khi đòn bẩy cao kết hợp với biến động thị trường sẽ đưa doanh nghiệp vào khủng hoảng.
4.2. Cách doanh nghiệp tối ưu ĐBTC
Để sử dụng ĐBTC hiệu quả, doanh nghiệp phải kết hợp giữa chiến lược sử dụng đòn bẩy và kiểm soát rủi ro tài chính:
Các chiến lược sử dụng đòn bẩy hiệu quả:
- Chỉ vay khi lợi nhuận dự kiến cao hơn lãi vay: Tức là tỷ suất sinh lời (ROA) lớn hơn lãi suất vay để đảm bảo không bị lỗ.
- Sử dụng vốn vay cho các dự án có dòng tiền ổn định: Chỉ nên vay để đầu tư vào tài sản sinh lời và tránh dùng cho chi tiêu ngắn hạn.
- Cân bằng giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay: Duy trì D/E từ 1 – 2 để vừa tận dụng đòn bẩy, nhưng vẫn giữ an toàn tài chính.
Cách kiểm soát và giảm rủi ro:
- Tối ưu quản lý dòng tiền với kế hoạch trả nợ rõ ràng, đảm bảo dòng tiền ổn định.
- Giữ tỷ lệ nợ hợp lý theo ngành nghề.
- Tận dụng lãi suất thấp và tài cấu trúc nợ.

5. Góc nhìn chuyên sâu: Đòn bẩy tài chính – Công cụ quyền lực hay con dao hai lưỡi?
“Đòn bẩy tài chính không làm bạn giàu, nó chỉ làm bạn giàu nhanh hơn hoặc phá sản nhanh hơn”. Đây là sự thật mà nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá để nhận ra.
Hầu hết các bài viết khác về ĐBTC chỉ dừng lại ở khái niệm, công thức và cách tính hoặc các hướng dẫn chung. Nhưng bản chất sâu xa của đòn bẩy không nằm ở các con số hay tỷ lệ, mà nằm ở cách doanh nghiệp hiểu và kiểm soát nó như chiến lược kinh doanh sống còn.
5.1. Đòn bẩy tài chính không chỉ là công cụ, mà là tư duy chiến lược
Các doanh nghiệp thành công không dùng đòn bẩy vì nó hấp dẫn, mà họ sử dụng nó như một phần của tư duy dài hạn, chứ không phải giải pháp ngắn hạn để vá lỗ hổng tài chính.
- Elon Musk không vay nợ để giữ công ty tồn tại, mà tạo ra đột phá. Tesla đã tận dụng ĐBTC để xây dựng Gigafactory khi chưa có lợi nhuận lớn. Họ không chỉ vay để “sống sót”, mà để định hình cả một ngành công nghiệp xe điện.
- Jeff Bezos không dùng vốn vay để chi trả lương, mà để tạo lợi thế cạnh tranh. Amazon chấp nhận khoản lỗ kéo dài trong nhiều năm, vay nợ để mở rộng hệ thống kho hàng và logistics, tạo ra sự thống trị tuyệt đối mà không đối thủ nào có thể cạnh tranh.
=> ĐBTC chỉ có giá trị khi nó tạo ra sự tăng trưởng chứ không phải duy trì sự tồn tại.
5.2. Doanh nghiệp không phá sản vì nợ, mà vì dòng tiền
Sai lầm phổ biến khi phân tích ĐBTC là chỉ nhìn vào chỉ số D/E (tỷ lệ nợ trên VCSH). Nhưng rõ ràng là doanh nghiệp không chết vì có nhiều nợ mà vì không đủ dòng tiền để trả nợ.
Evergrande không sụp đổ ngay cả khi có tỷ lệ D/E rất cao – họ đã tồn tại suốt nhiều năm với khoản nợ khổng lồ. Nhưng khi doanh số bán hàng giảm, dòng tiền không đủ để trả lãi, họ bắt đầu bị vỡ trận và phá sản.
Do đó, hãy ghi nhớ rằng:
- Tỷ lệ nợ không quan trọng bằng khả năng tạo ra dòng tiền.
- Doanh nghiệp không phá sản vì vay nhiều mà vì không có kế hoạch trả nợ rõ ràng.
5.3. Khi đòn bẩy tài chính trở thành “Nghiện” và cách thoát ra
Rất nhiều doanh nghiệp rơi vào “vòng xoáy đòn bẩy tài chính” khi nợ mới chỉ dùng để trả nợ cũ chứ không tạo ra lợi nhuận thực sự.
Đây là lý do vì sao các doanh nghiệp SMEs và Startup rất dễ thất bại vì họ không có đủ nguồn lực để kiểm soát rủi ro tài chính.
Dấu hiệu của doanh nghiệp đang “nghiện” đòn bẩy tài chính:
- Lợi nhuận không tăng, nhưng nợ tăng liên tục.
- Chi vay để trả nợ cũ, không có khoản đầu tư sinh lời.
- Phụ thuộc vào dòng tiền bên ngoài, không thể duy trì hoạt động nếu không vay thêm.
Vậy lối thoát khỏi “cơn nghiện đòn bẩy” như nào?
- Dừng mở rộng khi chưa kiểm soát tốt tài chính.
- Tập trung tối ưu dòng tiền.
- Học cách dùng nợ một cách có kế hoạch.
Tổng kết
Đòn bẩy tài chính không quyết định thành bại của doanh nghiệp – cách bạn sử dụng nó mới là yếu tố quyết định.
Doanh nghiệp nào cũng sử dụng ĐBTC để phát triển và mở rộng kinh doanh. Do đó, việc hiểu rõ, hiểu sâu và biết cách sử dụng ĐBTC là điều rất quan trọng với các chủ doanh nghiệp.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu được:
- Đòn bẩy tài chính là gì?
- Công thức tính đòn bẩy tài chính?
- Sự tác động của đòn bẩy tài chính trong doanh nghiệp?
- Cách sử dụng đòn bẩy tài chính sao cho hiệu quả?
Cảm ơn các bạn đã đọc đến những dòng này! Trân trọng cảm ơn!