Quản trị Tài Chính Kiến Thức Tài Chính Tài chính là gì? Sự ra đời, bản chất, chức năng và...

Tài chính là gì? Sự ra đời, bản chất, chức năng và các mối quan hệ tài chính

3
Tài chính là gì? Sự ra đời, bản chất, chức năng và các mối quan hệ tài chính
Tài chính là gì? Sự ra đời, bản chất, chức năng và các mối quan hệ tài chính

Tài chính không phải các con số khô khan – nó là dòng chảy quyết định sự sống còn của cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Từ việc kiểm soát chi tiêu cá nhân đến các đầu tư tỷ đô, tài chính luôn đóng vai trò trung tâm. Vậy bạn đã thực sự hiểu tài chính là gì? Cách tài chính ảnh hướng đến mọi mặt của cuộc sống ra sao? Trong bài viết này, hãy cùng Kế Toán VN khám phá các nguyên tắc cốt lõi, bản chất, và tất cả mọi thông tin về tài chính!

1. Tài chính là gì?

Tài chính hay tài chánh có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau:

Tài chính dưới góc độ kinh tế được hiểu như sau: “Tài chính là một hệ thống giúp luân chuyển dòng tiền từ các chủ thể thặng dư (người có tiền nhàn rỗi) đến các chủ thể thâm hụt (người cần vốn) thông qua các công cụ như tín dụng, đầu tư, ngân hàng và thị trường tài chính.”

Dưới góc độ nhỏ hơn, ta có thể hiểu tài chính đơn giản như sau: “Tài chính là quá trình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính nhằm tạo ra giá trị và tối ưu hóa hiệu quả kinh tế. Nó bao gồm việc quản lý dòng tiền, tài sản, nợ phải trả, rủi ro và đầu tư nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính cho cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức.”

Tài chính xuất hiện ở mọi cấp độ từ:

  • Một cá nhân sử dụng tài chính để lập kế hoạch đầu tư, tiết kiệm.
  • Một doanh nghiệp gọi vốn thông qua IPO để mở rộng kinh doanh.
  • Chính phủ điều chỉnh chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát.

Tất cả đều là tài chính!

Tài chính xuất hiện ở mọi cấp độ trong cuộc sống
Tài chính xuất hiện ở mọi cấp độ trong cuộc sống

2. Sự ra đời của tài chính

Tài chính xuất hiện từ khi con người có nhu cầu trao đổi hàng hóa. Qua từng thời kỳ, tài chính không ngừng phát triển và trở thành một hệ thống phức tạp, chi phối nền kinh tế toàn cầu.

2.1. Nguồn gốc tài chính: từ trao đổi hàng hóa đến tiền tệ

Thời kỳ trao đổi hàng hóa – kinh tế hiện vật:

  • Trước khi có tiền tệ, con người sử dụng hệ thống hàng đổi hàng để trao đổi giá trị.
  • Điều này có hạn chế không linh hoạt, khó tìm được người có cùng nhu cầu, không có đơn vị đo lường chuẩn.

Sự ra đời của tiền tệ:

  • Để khắc phục hạn chế của hệ thống hàng đổi hàng, tiền tệ ra đời như phương tiện thanh toán chung.
  • Ban đầu tiền tệ có dạng vật phẩm có giá trị như vàng, bạc, vỏ sò,…
  • Tiền xu kim loại xuất hiện vào khoảng 600 TCN.
  • Tiền giấy ra đời ở Trung Quốc vào thế kỷ VII dưới triều nhà đường.

2.2. Sự phát triển của hệ thống tài chính

Thời trung cổ –  Sự ra đời của ngân hàng:

  • Các nhà buôn ở Châu Âu thời trung cổ bắt đầu lưu trữ vàng và phát hành giấy nợ.
  • Các tổ chức tín dụng đầu tiên ra đời, giúp đơn giản hoá giao dịch thương mại.

Cách mạng công nghiệp và tài chính hiện đại:

  • Từ thế kỷ XVIII đến XIX có sự bùng nổ sản xuất dẫn tới nhu cầu vốn lớn để mở rộng doanh nghiệp.
  • Ngân hàng, thị trường chứng khoán và bảo hiểm phát triển mạnh mẽ.
  • Ngân hàng trung ương ra đời để quản lý tiền tệ và chínhchinh sách tài chính quốc gia.

2.3. Ảnh hưởng của các cuộc cách mạng công nghiệp đến tài chính

Cách mạng công nghiệp 1.0:

  • Sự phát triển máy móc, sản xuất tạo ra nhu cầu vay vốn lớn.
  • Hệ thống tài chính hiện đại ra đời để cung cấp vốn dài hạn.

Cách mạng Công nghiệp 2.0:

  • Điện khí hóa và dây chuyền sản xuất làm thay đổi mô hình tài chính doanh nghiệp.
  • Ngân hàng đóng vai trò trung tâm trong việc cấp vốn cho các ngành công nghiệp.

Cách mạng Công nghiệp 3.0: Sự phát triển của máy tính và Internet dẫn đến sự ra đời của ngân hàng điện tử, thẻ tín dụng, sản giao dịch trực tuyến.

Cách mạng công nghiệp 4.0:

  • Blockchain, tiền điện tử, ngân hàng số thay đổi cách tài chính hoạt động.
  • Trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn giúp tối ưu hóa giao dịch tài chính.
Sự phát triển của kinh tế - tài chính gắn liền với lịch sử phát triển của nhân loại
Sự phát triển của kinh tế – tài chính gắn liền với lịch sử phát triển của nhân loại

3. Bản chất của tài chính

Tài chính không chỉ đơn thuần là việc quản lý tiền bạc mà còn là một hệ thống quan hệ kinh tế phản ánh quá trình phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới dạng tổng giá trị. Thông qua đó, các quỹ tiền tệ được hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu tích lũy và tiêu dùng của các chủ thể trong nền kinh tế.

3.1. Tài chính là sự phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới dạng giá trị

Tài chính xuất hiện trong quá trình phân phối các nguồn lực kinh tế giữa các chủ thể (cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước). Việc phân phối diễn ra theo 2 hướng:

  • Tạo lập các quỹ tiền tệ: Tạo thành ngân sách nhà nước, quỹ đầu tư, vốn doanh nghiệp, quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ tiêu dùng cá nhân.
  • Sử dụng các quỹ tiền tệ: Chi tiêu ngân sách, đầu tư sản xuất, phát triển hạ tầng, chi tiêu cá nhân.

Ví dụ thực tế:

  • Một doanh nghiệp trích lợi nhuận để lập quỹ tái đầu tư, mở rộng sản xuất.
  • Nhà nước thu thuế để lập ngân sách chi cho giáo dục, y tế, hạ tầng.
  • Cá nhân phân bổ thu nhập vào tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng.

3.2. Tài chính phản ánh các mối quan hệ kinh tế trong quá trình phân phối nguồn lực

Tài chính là tổng hợp các quan hệ kinh tế phát sinh từ việc tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ. Các quan hệ này diễn ra giữa:

  • Nhà nước và doanh nghiệp: Thu thuế, trợ cấp, đầu tư công.
  • Doanh nghiệp với doanh nghiệp: Hợp tác đầu tư, giao dịch thương mại, vay vốn.
  • Doanh nghiệp và cá nhân: Tiền lương, cổ tức, trái phiếu doanh nghiệp.
  • Cá nhân với ngân hàng/tổ chức tài chính: Gửi tiết kiệm, vay vốn, đầu tư chứng khoán.

Ví dụ thực tế:

  • Khi chính phủ tăng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp xây dựng sẽ nhận được vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
  • Một công ty phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán để huy động vốn, tạo ra quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư.

3.3. Giá cả hàng hóa phản ánh xu hướng phát triển của nền kinh tế

Giá cả thị trường là một chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế.

  • Giá cả tăng hợp lý → Nền kinh tế phát triển tốt, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, việc làm tăng lên.
  • Giá cả giảm mạnh → Kinh tế suy yếu, doanh nghiệp gặp khó khăn, thất nghiệp gia tăng.
  • Lạm phát cao → Đồng tiền mất giá, sức mua giảm, nền kinh tế bất ổn.

Ví dụ thực tế:

  • Khi nền kinh tế phát triển mạnh, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tăng, giá cả hàng hóa cũng tăng theo do cung không đủ cầu.
  • Trong khủng hoảng kinh tế, giá cả hàng hóa giảm vì sức mua giảm, doanh nghiệp buộc phải giảm giá để kích cầu.
Giá cả thị trường là một chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế
Giá cả thị trường là một chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế

4. Các mối quan hệ tài chính

Tài chính không chỉ gồm các hoạt động tiền tệ đơn giản mà gồm chuỗi các mối quan hệ phức tạp giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Mối quan hệ này tồn tại giữa các cá nhân, doanh nghiệp, chí phủ và các tổ chức tài chính, ngân hàng trung ương.

4.1. Mối quan hệ giữa các chủ thể tài chính: cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ

Tài chính hình thành và phát triển nhờ sự tương tác giữa các chủ thể kinh tế, bao gồm cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ. Mỗi chủ thể có vai trò và chức năng khác nhau:

Cá nhân:

  • Thu nhập bằng cách thu từ lương, đầu tư hoặc tài sản.
  • Tiết kiệm và đầu tư bằng cách phân bổ nguồn thu nhập sau khi chi tiêu vào tiết kiệm và đầu tư.
  • Chi tiêu bằng hoạt động mua sắm hàng hóa, dịch vụ và thanh toán nợ.

Doanh nghiệp:

  • Huy động vốn: Điều này được thực hiện thông qua việc phát hành cổ phiếu, vay ngân hàng hoặc vay nợ.
  • Sản xuất và tiêu thụ: Doanh nghiệp sử dụng vốn để sản xuất hàng hóa, dịch vụ, sau đó bán ra để tạo lợi nhuận.
  • Chi trả: Doanh nghiệp trả lương cho nhân viên, cổ tức cho cổ đông và thuế cho chính phủ.

Chính phủ:

  • Thu thuế và vay nợ: Chính phủ thu thuế từ cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời vay nợ bằng phát hành trái phiếu chính phủ để chi tiêu cho chương trình công cộng.
  • Chi tiêu công: Chính phủ sử dụng ngân sách để chi cho các mục đích giáo dục, y tế, hạ tầng, quốc phòng.
  • Điều tiết nền kinh tế: Chính phủ áp dụng các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để điều chỉnh nền kinh tế.

4.2. Luồng tài chính trong nền kinh tế: tiền tệ, tín dụng, ngân sách

Luồng tài chính là sự chuyển động của tiền trong nền kinh tế qua các hệ thống khác nhau. Các yếu tố chính trong luồng kinh tế gồm: tiền tệ, tín dụng và ngân sách.

Trong đó:

  • Tiền tệ là phương tiện thanh toán cơ bản trong nền kinh tế và đại diện cho giá trị.
  • Tín dụng gồm việc cho vay và vay mượn tiền tệ trong nền kinh tế. Tín dụng giúp kích thích nền kinh tế.
  • Ngân sách là kế hoạch tài chính do chính phủ và doanh nghiệp lập ra để hoạt động chi tiêu.

5. Chức năng của tài chính

Tài chính có 3 chức năng chính gồm: Huy động vốn, phân bổ nguồn lực và kiểm soát tài chính nhằm duy trì sự phát triển của các cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

5.1. Huy động vốn

Huy động vốn là quá trình thu thập tiền tệ từ các nguồn bên ngoài để tài trợ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất hoặc đầu tư. Việc huy động vốn là cần thiết để cá nhân, doanh nghiệp có thể phát triển, mở rộng quy mô và cải thiện kinh doanh.

Các hình thức huy động vốn phổ biến gồm:

  • Phát hành trái phiếu.
  • Phát hành cổ phiếu.
  • Vay ngân hàng.

5.2. Phân bổ nguồn lực

Phân bổ nguồn lực là quá trình chia sẻ, phân phối tài chính sao cho hiệu quả giữa các hoạt động, ngành nghề hoặc lĩnh vực trong nền kinh tế. Để đạt hiểu quả tối ưu, tài chính cần phân bổ hợp lý, đảm bảo nguồn lực tài chính sử dụng đúng mục đích và mang lại giá trị cao nhất.

5.3. Kiểm soát tài chính

Kiểm soát tài chính gồm theo dõi, điều chỉnh và giám sát các hoạt động tài chính để đảm bảo rằng nguồn lực tài chính sử dụng hiệu quả và không vượt qua khả năng chi trả. Kiểm soát tài chính không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp mà còn cho các cá nhân.

6. Hệ thống tài chính là gì?

Hệ thống tài chính là tập hợp các tổ chức tài chính, thị trường tài chính, cơ chế chính sách tiền tệ và các công cụ tài chính. Mục tiêu của hệ thống tài chính là đảm bảo dòng chảy tài chính hiệu quả giữa người tiết kiệm (cung cấp vốn) và những người vay (cần vốn), đồng thời giúp ổn định nền kinh tế bằng cách cung cấp và quản lý các nguồn lực tài chính.

Các thành phần chính của hệ thống tài chính gồm:

  • Ngân hàng.
  • Thị trường tài chính (là nơi các công cụ tài chính được mua bán, tạo ra môi trường cho huy động vốn và đầu tư).
  • Các công cụ tài chính (trái phiếu, cổ phiếu, hợp đồng phái sinh và các công cụ tín dụng).
  • Các cơ quan quản lý (ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý chứng khoán, các tổ chức tài chính giám sát, điều hành, bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính).
  • Chính sách tiền tệ (các chính sách của ngân hàng trung ương đến lãi suất, cung tiền và các công cụ điều tiết khác).
Hệ thống tài chính là gì?
Hệ thống tài chính là gì?

Vai trò của hệ thống tài chính trong nền kinh tế:

  • Huy động và phân phối nguồn vốn: Huy động vốn từ các nguồn tiết kiệm và chuyển giao đến doanh nghiệp, cá nhân hoặc chính phủ cần vốn.
  • Giảm thiểu rũi ro: Cung cấp các công cụ giảm thiểu rủi ro như bảo hiểm.
  • Tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế: Việc tiết kiệm và đầu tư hiệu quả qua hệ thống tài chính giúp ra tăng sản xuất, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
  • Cung cấp công cụ cho chính sách tiền tệ: Ngân hàng trung ương sử dụng hệ thống tài chính để kiểm soát lãi suất và cung tiền nhằm điều chỉnh nền kinh tế, tránh lạm phát hoặc suy thoái.

Một trong những ví dụ rõ ràng về sự quan trọng và sự yếu kém của hệ thống tài chính là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 do sự phát triển nhanh chóng của các khoản vay thế chấp dưới chuẩn, các công ty tài chính và ngân hàng phát hành chứng khoán phái sinh trên các khoản vay tạo ra nợ xấu.

7. Các yếu tố quan trọng của tài chính

Trong tài chính, có ba yếu tố cốt lõi cần phải quản lý và giám sát chặt chẽ: Dòng tiền, đầu tư và sinh lời, quản lý rủi ro tài chính. Trong đó:

  • Dòng tiền: Là sự luân chuyển của tiền vào và ra khỏi một tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định.
  • Đầu tư: Là cách thức tăng trưởng tài sản và sinh lời.
  • Quản lý rủi ro: Rủi ro tài chính có thể đến từ nhiều yếu tố như tín dụng, thị trường, thanh khoản, lạm phát,..

Mỗi yếu tố trong tài chính đều đóng vai trò quan trọng đến sự ổn định và phát triển của các cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

8. Các lĩnh vực trong tài chính

Ba lĩnh vực tài chính quan trọng nhất là tài chính cá nhân, tài chính doanh nghiệp và tài chính công. Trong đó:

  • Tài chính cá nhân gồm việc quản lý nguồn thu nhập và chi tiêu của cá nhân từ tiết kiệm, đầu tư và kiểm soát chi phí.
  • Tài chính doanh nghiệp là việc quản lý các nguồn lực tài chính để giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
  • Tài chính công là quản lý các nguồn tài chính của chính phủ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu công cộng và ổn định nền kinh tế. Tài chính công gồm (ngân sách nhà nước, chính sách tài khóa, nợ công).

9. Xu hướng tài chính hiện nay

Các thay đổi về công nghệ, tổ chức tài chính và mô hình kinh tế đang thúc đẩy các xu hướng mới làm thay đổi cách giao dịch, đầu tư và quản lý tài chính. Các xu hướng này tác động đến cá nhân, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Dưới đây là các xu hướng tài chính hiện nay:

  • Công nghệ tài chính (Fintech) và ngân hàng số tạo ra cách mạng trong quản lý tiền bạc, thanh toán và đầu tư.
  • Tài chính phi tập trung (DeFi) và Blockchain là mô hình tài chính mới thay thế cho các mô hình tài chính truyền thống.
  • Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI và học máy, tự động hóa tài chính trong quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp.
Công nghệ ngày càng được ứng dụng nhiều trong quản lý tài chính
Công nghệ ngày càng được ứng dụng nhiều trong quản lý tài chính

Tổng kết

Có thể thấy rằng, tài chính là yếu tố quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Mong rằng bài viết này giúp bạn hiểu rõ được bản chất tài chính là gì cũng như chức năng và các mối quan hệ trong tài chính.