Khi thành lập tổ chức kinh doanh mới hoặc thay đổi ngành nghề kinh doanh đã đăng ký, việc chọn mã ngành sao cho phù hợp là điều khiến nhiều người đau đầu. Mặc dù Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi nhận ngành nghề kinh doanh nữa nhưng chọn mã ngành vẫn là công việc cần thiết. Vậy làm thế nào để xác định được mã ngành nghề kinh doanh nhanh nhất, chính xác? Ghi mã ngành nghề kinh doanh thế nào cho đúng? Cùng tìm hiểu bài viết sau nhé.
1. Tra cứu mã ngành nghề kinh doanh ở đâu?
Để tra cứu mã ngành nghề kinh doanh, chúng ta có thể tra cứu trực tiếp tại cơ quan nhà nước quản lý doanh nghiệp; hoặc tại Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp tại website dangkykinhdoanh.gov.vn.
Đây là hai phương thức truyền thống và cũng là phổ biến nhất. Tuy nhiên, nhiều người cũng nhận thấy nhược điểm chung của hai phương thức này là người tra cứu phải tự mình dò tìm. Vì cả hai cách đều chỉ mang tính chất tổng hợp mà không có thông tin gì khác. Do đó, mức độ chính xác khi tra cứu không cao và mất khá nhiều thời gian.
Nhưng phần lớn chúng ta cũng đã quen với cách tra cứu mã ngành nghề kinh doanh này; nên vẫn có thể áp dụng.
2. Phải chọn được mã ngành cấp 4
Quên chọn hay không chọn được mã ngành cấp 4 là nguyên nhân khiến nhiều người bị trả hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký ngành nghề với cơ quan nhà nước. Phải chọn được mã ngành cấp 4 là nguyên tắc mọi người cần thực hiện được.
Các bạn cần biết rằng, pháp luật hiện hành quy định hệ thống mã ngành phân hóa từ cấp 1 đến cấp 5; tương ứng với số chữ số trong mã ngành đó.
Về nguyên tắc, khi chọn mã ngành nghề kinh doanh để đăng ký; doanh nghiệp cần đăng ký bằng mã ngành cấp 4 (có 4 chữ số). Sau đó người đăng ký bổ sung mã ngành cấp 5 hoặc diễn giải chi tiết phù hợp với quy định của pháp luật.
Còn khi nào doanh nghiệp cần bổ sung mã ngành nghề kinh doanh cấp 5; và diễn giải chi tiết thì hãy cùng tìm hiểu tiếp sau đây.
3. Bổ sung mã ngành cấp 5 và diễn giải chi tiết khi nào?
Về nguyên tắc, việc chỉ ghi nhận mã ngành cấp 4 thôi là chưa đủ. Doanh nghiệp ghi mã ngành phải bổ sung mã ngành cấp 5 hoặc diễn giải chi tiết thêm; phù hợp với ngành nghề kinh doanh của mình.
Thực tế đã có nhiều trường hợp, doanh nghiệp bị cơ quan chức năng từ chối tiếp nhận hồ sơ; thực hiện lại thủ tục nhiều lần do thiếu nội dung trên. Vì vậy, ngoài việc chọn mã ngành nghề cấp 4; có phải ghi thêm nội dung nào hay không cũng là một lưu ý quan trọng khi ghi mã ngành nghề.
Bổ sung mã ngành cấp 5 hay diễn giải chi tiết được xác định là cần thiết trong các trường hợp sau:
- Đối với ngành nghề kinh doanh thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện (về vốn pháp định, chứng chỉ,…), danh mục ngành nghề kinh doanh cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh => người đăng ký ghi mã ngành cấp 4; và ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
- Đối với các ngành nghề không được ghi nhận thành một ngành nghề cụ thể trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (không có mã ngành riêng), nhưng được quy định trong các văn bản pháp luật khác, thì ghi nhận thêm theo quy định tại các văn bản đó.
Khi đó, doanh nghiệp có thể chọn mã ngành nghề kinh doanh cấp 4 có liên quan đến ngành nghề mình chọn và thường có các dạng cấu trúc sau:
– Hoạt động… khác
– Hoạt động có liên quan đến… khác
– Hoạt động… chưa được phân vào đâu.
– … khác
– … chưa được phân vào đâu.
Đồng thời, sau đó có thể ghi thêm mã ngành cấp 5 phù hợp rồi bổ sung thêm diễn giải chi tiết bên dưới hoặc ghi trực tiếp chi tiết sau mã ngành cấp 4.
- Đối với các ngành nghề không thuộc hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được ghi nhận trong một văn bản pháp luật nào khác; nhưng không thuộc danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh; thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và ghi nhận vào cơ sở dữ liệu quốc gia, thông báo cho Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.”
Trên đây là những hướng dẫn của mình về cách ghi mã ngành nghề kinh doanh. Hy vọng thông tin trên hữu ích cho bạn; giúp bạn xác định được mã ngành nghề kinh doanh đúng khi đăng ký kinh doanh; và ghi đúng mã ngành nghề kinh doanh.
Xem thêm:
Hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh và phân loại kế toán chi phí thế nào?
Những khoản chi phí cần đặc biệt lưu ý khi quyết toán thuế
Hướng dẫn thủ tục thanh lý nhượng bán tài sản cố định